Kết hôn đồng giới ở Việt Nam có được pháp luật công nhận
Mục lục
1. Hôn nhân đồng giới là gì?
Hôn nhân giữa hai cá nhân cùng giới tính sinh học thường được gọi là hôn nhân đồng giới hoặc hôn nhân đồng tính. Những người ủng hộ quyền lợi này thường sử dụng các thuật ngữ như hôn nhân bình đẳng hay bình đẳng hôn nhân để nhấn mạnh tính công bằng của việc này.
Trong nhiều quốc gia, hôn nhân đồng giới đã được công nhận và cho phép bởi luật pháp. Điều này cung cấp cho các cặp đôi đồng giới cùng các quyền pháp lý như hôn nhân khác giới, bao gồm các quyền liên quan đến tài sản, hỗ trợ vợ chồng, quyền thừa kế, quyền nuôi dưỡng con cái. Tuy nhiên, kết hôn đồng giới ở Việt Nam và nhiều Quốc gia khác vẫn chưa được pháp luật chấp nhận hoặc có sự phản đối từ một số phần của xã hội.
2. Kết hôn đồng giới ở Việt Nam được công nhận không?
Trước ngày 1 tháng 1 năm 2015, khi Luật Hôn nhân và Gia đình số 52/2014/QH13 chưa có hiệu lực, luật pháp Việt Nam vẫn áp dụng theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 đã cấm việc kết hôn giữa những người cùng giới. Cụ thể, quy định tại điểm e khoản 1 Điều 8 Nghị định 87/2011/NĐ-CP, hành vi này không những bị cấm mà còn bị coi là trái pháp luật và bị xử phạt hành chính.
Tuy nhiên, quy định hiện hành trong khoản 2 Điều 5 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 đã loại bỏ lệnh cấm này, thể hiện một bước tiến trong việc thay đổi quan điểm pháp lý về quyền cá nhân, bao gồm cả quyền kết hôn. Dù vậy, sự thay đổi này không có nghĩa là pháp luật đã chấp nhận hôn nhân đồng giới.
Cụ thể, theo khoản 2 Điều 8 của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, hôn nhân chỉ được công nhận khi đó là mối quan hệ giữa một người nam và một người nữ đáp ứng các điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn. Như vậy, mặc dù không còn cấm, nhưng hôn nhân đồng giới vẫn chưa được Nhà nước Việt Nam thừa nhận như một hình thức hôn nhân hợp pháp.
Do đó, có thể thấy dù Việt Nam đã có bước đầu loại bỏ lệnh cấm đối với hôn nhân đồng giới, nhưng vẫn chưa chấp nhận việc kết hôn của các cặp đôi đồng giới. Các cặp đôi này có thể tổ chức lễ cưới theo phong tục và sống chung nhưng không thể đăng ký hôn nhân chính thức theo luật, nên se không được hưởng các quyền và nghĩa vụ pháp lý của vợ chồng theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình.
3. Quy định kết hôn liên quan đến người chuyển giới
Về vấn đề những người đã chuyển đổi giới tính, luật cho phép họ đăng ký thay đổi hộ tịch, bao gồm cập nhật giới tính trên các giấy tờ pháp lý như căn cước công dân, hộ chiếu để phản ánh giới tính mới. Hơn nữa, những người này được công nhận các quyền nhân thân tương ứng với giới tính đã chuyển đổi, bao gồm quyền kết hôn và quyền nhận con nuôi.
Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể nào được ban hành để thực thi các quy định này theo Bộ luật Dân sự về chuyển đổi giới tính. Theo Nghị quyết 89/2023/QH15, dự án Luật Chuyển đổi Giới tính dự kiến sẽ được trình lên Quốc hội trong kỳ họp thứ tám vào tháng 10 năm 2024. Đến lúc này, việc chuyển đổi giới tính vẫn chưa có khung pháp lý đầy đủ để được thực hiện và công nhận một cách chính thức.
Trên đây là tổng hợp thông tin giúp bạn giải đáp được thắc mắc kết hôn đồng giới ở Việt Nam có được pháp luật công nhận hay không. Hy vọng qua bài viết này, mọi người đã nắm vững thêm được nhiều kiến thức hữu ích.