Ly hôn cha muốn giành quyền nuôi con thì cần phải làm gì?
Ly hôn là mặt trái của hôn nhân khi quan hệ hôn nhân thực sự tan vỡ. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề tương đối phức tạp bởi tính liên quan đến quyền và nghĩa vụ các bên dẫn đến nhiều mâu thuẫn, xung đột xảy ra. Trong đó, tranh chấp quyền nuôi con cũng là một trong những dạng tranh chấp rất phổ biến giữa hai vợ chồng. Vậy khi ly hôn cha muốn giành quyền nuôi con thì cần phải làm gì?
Mục lục
Điều kiện để xem xét trao quyền nuôi con
Giành quyền nuôi con luôn là mong muốn của cha, mẹ khi tiến hành thủ tục ly hôn tại Tòa án. Thế nhưng, để được trao quyền nuôi con, cần phải dựa trên các điều kiện, cụ thể được quy định tại Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, đó là:
- Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
- Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Như vậy, việc nuôi con sau khi ly hôn sẽ dựa vào thỏa thuận các bên. Trường hợp không thoả thuận được thì Tòa án sẽ căn cứ vào quyền lợi của con như điều kiện sống, môi trường giáo dục,…
Nếu con dưới 36 tháng tuổi, người mẹ có quyền trực tiếp nuôi con, người cha sẽ phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng quy định tại khoản 1 của Điều luật này. Tuy nhiên, trong trường hợp người mẹ không đủ điều kiện nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cha sẽ nuôi dưỡng, giáo dục, chăm sóc con cái. Ngoài ra, nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên, Tòa án sẽ xem xét nguyện vọng của con trước khi giao cho cha hoặc mẹ trực tiếp nuôi dưỡng.
Ly hôn cha muốn giành quyền nuôi con thì cần phải làm gì?
Đa phần khi các cặp vợ chồng tìm hiểu vấn đề này là việc thỏa thuận về quyền nuôi con không thành công, không theo ý chí, nguyện vọng một trong hai người. Vì thế, khi đã tranh chấp tại Tòa án, căn cứ để giải quyết thường dựa trên điều kiện có lợi nhất cho con. Do đó, trên thực tế, nếu người cha muốn giành quyền nuôi con, cần phải thu thập những chứng minh, cụ thể gồm có:
Thứ nhất: Nguồn thu nhập đảm bảo cho việc nuôi dưỡng, chăm sóc cho con một cách tốt nhất
Đây được coi là một yếu tố quan trọng đầu tiên khi ly hôn cha muốn giành quyền nuôi con. Người con không thể sống trong điều kiện vật chất hạn chế bởi những quyền lợi khác sẽ khó có thể đảm bảo như quyền được đi học, quyền được giáo dục, chăm sóc,…Như vậy, khi người cha có một cuộc sống tốt, nguồn thu nhập ổn định, có tài sản tiết kiệm riêng, mức lương cao,… sẽ là tiêu chí để giành quyền nuôi con.
Thứ hai: Có nhiều thời gian quan tâm, chăm sóc cho con
Bên cạnh vật chất, yếu tố tinh thần của con cũng là một trong những vấn đề cần được quan tâm. Xét theo khoa học, khi bước vào tuổi dậy thì, tâm sinh lý của trẻ em có nhiều thay đổi. Do đó việc chú trọng đến khía cạnh này của con là điều thực sự cần thiết. Cho nên, nếu có những bằng chứng chứng minh được bản thân có thời gian chăm sóc, bên cạnh, yêu thương con,… thì sẽ được trao quyền nuôi con.
Những bằng chứng để người cha được giành quyền nuôi con có thể chứng minh rằng đối phương không có nhiều thời gian ở với con. Đó có thể là thường xuyên đi công tác, thường xuyên xa nhà, công việc ở xa,…
Thứ ba: Chứng minh đối phương không đáp ứng điều kiện nuôi con trực tiếp
Chứng minh đối phương không đủ điều kiện nuôi con là biện pháp tối ưu để giành được quyền nuôi con. Những vấn đề cần chứng minh trong trường hợp này là:
- Trong thời gian chung sống, đối phương không thực sự quan tâm, yêu thương con, ngược lại có những hành vi bạo hành, gây tổn hại đến sức khỏe và tinh thần của con.
- Chứng minh nguyên nhân ly hôn là do lỗi đối phương như ngoại tình, bạo lực gia đình,… Điều kiện này sẽ khiến cho con cái bị ảnh hưởng bởi những tư tưởng, nếp sống lệch lạc đó, dẫn đến việc hình thành nhân cách xấu trong con.
- Ngoài ra, có thể chứng minh bản thân có nhiều điều kiện khác tốt hơn đối phương, tạo dựng được môi trường sống lành mạnh để con phát triển.
Nên sử dụng dịch vụ tư vấn của đơn vị nào để việc giành quyền nuôi con được thuận lợi?
Như vậy, giành quyền nuôi con là vấn đề tương đối phức tạp bởi người cha, người mẹ luôn muốn con cái sống chung với mình. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp trên thực tế, cha hoặc mẹ không thực sự thương yêu con nhưng sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để giành lại con. Những lý do đó có thể là chuộc lợi con từ đối phương, bạo hành con để đe doạ, uy hiếp người còn lại,…
Vì thế, để đảm bảo việc giành quyền nuôi con được thuận lợi, quý khách có thể tham khảo dịch vụ tư vấn pháp luật của công ty chúng tôi. Với nhiều năm kinh nghiệm cùng đội ngũ luật sư uy tín, có chuyên môn cao trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, Luật sư Hôn nhân Gia đình sẵn sàng hỗ trợ bạn hết mức có thể.