Ly hôn đã xong, ”vợ, chồng” có tranh chấp tài sản, Tòa án có giải quyết không?
Khi ly hôn, có nhiều trường hợp, các bên sẽ tự thỏa thuận về vấn đề tài sản, quyền nuôi con, hoặc các bên yêu cầu Tòa án giải quyết. Tuy nhiên, có không ít việc ly hôn đã được giải quyết xong, Bản án, Quyết định giải quyết ly hôn đã có hiệu lực pháp luật, nhưng hai bên “vợ, chồng” lại có tranh chấp tài sản, liệu Tòa án có thụ lý hay không, là câu hỏi của nhiều cặp”vợ, chồng”.
Đối với vụ án ly hôn mà tại thời điểm ly hôn hai vợ chồng đã có yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp tài sản của vợ chồng. Tranh chấp về tài sản chung có thể là tài sản mà vợ chồng thống nhất là tài sản chung nhưng không thống nhất được cách chia, tài sản mà họ không thống nhất được với nhau là tài sản chung như: tranh chấp do một bên cho rằng là tài sản chung, bên kia thì không…. Khi Tòa án giải quyết xong việc ly hôn với yêu cầu của các bên về phân chia tài sản chung, nếu trong thời hạn kháng cáo mà các bên không kháng cáo, Viện kiểm sát không kháng nghị hoặc kháng cáo quá hạn mà không có lý do chính đáng thì khi Bản án đã có hiệu lực, các bên buộc phải tuân theo sự phán quyết của Tòa án.
Trường hợp là tranh chấp tài sản chung của “vợ chồng”, nhưng khi ly hôn, hai bên không yêu cầu phân chia tài sản chung. Khi đó, hai bên có thể yêu cầu Tòa án giải quyết. Tuy nhiên, hiện tại hai bên không còn quan hệ vợ chồng, việc tranh chấp về tài sản ở đây không phải là tranh chấp về hôn nhân gia đình. Trường hợp này, Tòa án sẽ thụ lý và giải quyết như vụ án dân sự thông thường. Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự thì Tòa án có trách nhiệm hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để hai bên thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp tài sản. Nếu hòa giải không thành, Tòa án sẽ thực hiện các thủ tục để đưa vụ án ra xét xử.