Ly hôn đòi bồi thường trinh tiết, tuổi thanh xuân
Trong thực tiễn xét xử án ly hôn, không chỉ có các đương sự là người dân tộc thiểu số, hiểu biết hạn hẹp mới đặt ra yêu cầu được bồi thường trinh tiết, nhan sắc, tuổi xuân hoặc đòi lại lễ vật sánh lễ, thách cưới… Thậm chí nhiều đương sự là những trí thức ly hôn cũng kiện đòi vợ/chồng phải bồi thường trinh tiết, tuổi xuân cho mình. Vậy những yêu cầu trên có được tòa án chấp nhận hay không, dựa trên những căn cứ pháp luật nào, hiện vẫn là vấn đề cần thảo luận, bàn cãi…
Con 37 tháng tuổi, mẹ vẫn được ưu tiên quyền ly hôn
Nghĩa vụ cấp dưỡng chấm dứt khi nào?
Danh hài Chiến Thắng ly hôn lần 2
Yêu cầu được bồi thường, hoàn trả là một quyền dân sự của công dân, quyền này được pháp luật bảo hộ. Nhưng có được xem xét chấp nhận hay không là do Tòa án, dựa trên các căn cứ pháp luật. Vậy nên khi đương sự kiện đòi lại tiền sính lễ, hay đòi lợn đòi trâu… khi ly hôn đều là quyền của các đương sự, Tòa án sẽ xem xét giải quyết trên cơ sở các quy định của pháp luật. Theo Điều 604 Bộ luật Dân sự quy định: người nào có lỗi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân và các chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Như vậy, căn cứ để xác định có hay không phát sinh trách nhiệm bồi thường là phải có yếu tố lỗi.
Trong quan hệ hôn nhân, một trong những điều kiện quan trọng nhất để xác lập cuộc hôn nhân hợp pháp là hai bên nam và nữ phải tự nguyện quyết định, không bên nào được ép buộc, lừa dối bên nào; không ai được cưỡng ép hoặc cản trở. Như vậy, quan hệ hôn nhân là do hai bên tự nguyện, không có yếu tỗ lỗi nên không phát sinh trách nhiệm bồi thường.
Nếu hôn nhân đổi chác, cưỡng ép thì có được bồi thường không?
Thực tế, trong nhiều cuộc hôn nhân, dù biết rõ bản chất là mua bán, đổi chác nhưng rất khó để chứng minh. Đành rằng có việc anh nộp lễ vật thách cưới, hoặc chuyển tiền cho bố mẹ vợ làm nhà, sắm đồ, tự nguyện tặng vàng bạc trang sức để cưới vợ, nhưng việc đó là hoàn toàn tự nguyện nên không có căn cứ kiện đòi, không có nghĩa vụ buộc hoàn trả.
Thực tiễn giải quyết án ly hôn cho thấy, dù bác yêu cầu bồi thường trinh tiết, tuổi xuân nhưng tòa án vẫn tính toán đến công sức đóng góp, duy trì cuộc sống hôn nhân nhằm giải quyết hài hòa và nhân văn quyền lợi mọi mặt cho đương sự, trong đó ưu tiên bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ. Vì trong các cuộc ly hôn, bao giờ nữ giới cũng chịu nhiều thiệt thòi, cơ hội tạo lập cuộc sống mới và kiếm tìm hạnh phúc mới thường khó khăn và hạn chế hơn nam.
Xét trên phương diện nào đó, khái niệm “bồi thường tuổi xuân” có ý nghĩa tương tự như thuật ngữ pháp lý “công sức đóng góp” của vợ/chồng khi duy trì cuộc sống hôn nhân. Trước đây, việc tính toán công sức đóng góp được quy định tại Nghị quyết hướng dẫn xét xử của TAND Tối cao. Có thể thấy việc quy định liên quan đến công sức đóng góp mang tính nhân đạo, chủ yếu là nhằm bảo vệ cho phụ nữ. Bởi lẽ, từ xưa đến nay rất nhiều phụ nữ sau khi lấy chồng thường nghỉ công việc bên ngoài, dành thời gian chăm sóc cho chồng và con. Không có nguồn thu nhập, thì chẳng lẽ khi ly hôn trắng tay. Do đó, Luật HNGD 2014 tại Điều 59 quy định “Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập”. Do đó, khi ly hôn vợ, chồng chỉ được yêu cầu chia tài sản chung và công sức đóng góp của hai vợ chồng vào khối tài sản chung chứ không được yêu cầu đòi bồi thường trinh tiết cũng như tuổi thanh xuân. Vì bộ Luật Dân sự và Luật HNGD không có quy định liên quan đến vấn đề này nên ko thể đòi bồi thường được.