Nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau ly hôn
Cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, là người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, là người gặp khó khăn túng thiếu theo quy định của pháp luật.
Trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của các bên vợ chồng khi ly thân
Sự khác nhau giữa ly hôn đơn phương và ly hôn thuận tình
5 nguyên nhân chính dẫn đến ly hôn
Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của pháp luật. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Nếu không thực hiện nghĩa vụ này có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại điều 119 Luật hôn nhân và gia đình thì người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó. Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó:
- Người thân thích;
- Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
- Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
- Hội liên hiệp phụ nữ.
Như vậy, sau khi ly hôn người có nghĩa vụ cấp dưỡng không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng của mình đối với con, thì những cá nhân, cơ quan, tổ chức này có quyền gửi đơn yêu cầu lên Tòa án nơi người đó cư trú hoặc làm việc để buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.
Trong trường hợp người có nghĩa vụ không tự nguyện thi hành theo bản án, quyết định của Tòa, thì cá nhân, cơ quan, tổ chức trên đây có quyền làm đơn để yêu cầu cơ quan thi hành án thực hiện việc cưỡng chế thi hành bản án, quyết định của Tòa đã có hiệu lực pháp luật theo quy định của Luật thi hành án dân sự
Trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng thì có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.
+ Xử lý hành chính: Xử phạt hành vi không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng không được quy định trực tiếp trong văn bản pháp luật. Tuy nhiên, theo quy định tại điểm a Khoản 3 Điều 52 Nghị định 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự thì hành vi “Không thực hiện công việc phải làm … theo bản án, quyết định” của tòa án có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng. Như vậy, trong trường hợp đã có bản án, quyết định của tòa buộc 1 người phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng mà người đó không thực hiện thì sẽ bị xử lý theo quy định này.
+ Xử lý hình sự: Theo quy định tại Điều 152 Bộ Luật hình sự “Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà cố ý từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.
Theo quy định tại Khoản 8.4, 8.5 Điều 8, Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC về việc hướng dẫn áp dụng các quy định tại chương XV “Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình” của Bộ luật hình sự năm 1999 thì:
“8.4 Chỉ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng” khi có đầy đủ các dấu hiệu sau đây:
- Người vi phạm phải là người có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình;
- Người vi phạm từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng;
- Việc từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng đã gây hậu quả nghiêm trọng (tức là làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe như: ốm đau, bệnh tật, v.v…). Trong trường hợp chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì người vi phạm phải đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
8.5 Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử về tội phạm này cần lưu ý, nếu đã có bản án, quyết định của Toà án buộc người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ của mình mà người đó vẫn cố tình không chấp hành, mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 304 BLHS về tội không chấp hành án.”
Cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn là nghĩa vụ mà cha/mẹ- người không trực tiếp nuôi con phải thực hiện. Trong trường hợp người đó trốn tránh hoặc từ chối thực hiện nghĩa vụ này sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự tùy vào mức độ vi phạm của hành vi. Và quan trọng hơn cả, việc lẩn tránh, từ chối nghĩa vụ cấp dưỡng gây ảnh hưởng rất lớn tới mối quan hệ gia đình, nhất là quan hệ cha-con, mẹ- con.