Sự khác nhau giữa ly hôn đơn phương và ly hôn thuận tình
Hôn nhân là đích đến cuối cùng của tình yêu nhưng không phải cặp đôi nào cũng may mắn duy trì được sự nồng nàn, hạnh phúc trong đời sống vợ chồng. Khi những mâu thuẫn liên tục kéo dài, hai bên cảm thấy không thể tiếp tục được với nhau thì ly hôn sẽ là một hệ quả tất yếu xảy ra. Có 2 dạng ly hôn là ly hôn đơn phương và ly hôn thuận tình.
5 nguyên nhân dẫn đến ly hôn
2 dạng ly hôn chính thường gặp
Thủ tục đăng ký kết hôn với người ngoài
Phân biệt khái niệm ly hôn đơn phương và ly hôn thuận tình
- Ly hôn thuận tình là việc vợ chồng cùng có yêu cầu ly hôn, đã thỏa thuận được tất cả các vấn đề liên quan đến quan hệ hôn nhân, chia tài sản, nuôi con và giải quyết nợ chung và chỉ yêu cầu Tòa án công nhận sự thỏa thuận đó.
- Ly hôn đơn phương được hiểu là việc ly hôn theo yêu cầu của một bên (vợ hoặc chồng) và bên kia không đồng ý ly hôn hoặc không ký vào đơn xin ly hôn.
Khi lựa chọn hình thức ly hôn đơn phương thì cần phải lưu ý những vấn đề
- Vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được.
- Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang mang thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Chuẩn bị hồ sơ ly hôn
Về cơ bản, hồ sơ ly hôn của ly hôn đơn phương và ly hôn thuận tình phần lớn là giống nhau chỉ khác ở chỗ: Nếu ly hôn thuận tình thì nộp “Đơn xin công nhận thuận tình ly hôn” còn ly hôn đơn phương thì nộp “Đơn xin ly hôn”.
Thẩm quyền giải quyết của Tòa án
Trong trường hợp ly hôn thuận tình thì Tòa án nhân dân nơi vợ hoặc chồng cư trú đều có thẩm quyền giải quyết. Tuy nhiên, đối với ly hôn đơn phương thì phải nộp tại Tòa án nhân dân nơi bị đơn cư trú.
Hiệu lực thi hành của quyết định/ bản án ly hôn của Tòa án:
- Trường hợp công nhận sự ly hôn thuận tình thì sau 07 ngày kể từ ngày hòa giải không thành và hai bên vợ chồng không thay đổi ý kiến thì Tòa án sẽ ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn. Quyết định này có hiệu lực pháp luật ngay kể từ ngày kí, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
- Đơn phương ly hôn thì đương sự có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm của Tòa án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án hoặc nhận được bản án.