Nguyên nhân dẫn đến ly hôn và các quy định pháp luật liên quan
1. Tìm hiểu về những nguyên nhân dẫn đến ly hôn
Ly hôn là vấn đề không ai mong muốn trong hôn nhân, nhưng ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội hiện đại. Vậy, nguyên nhân dẫn đến ly hôn là gì? Hãy cùng tìm hiểu các nguyên nhân thường gặp khiến các cặp vợ chồng lựa chọn chấm dứt quan hệ hôn nhân:
- Sự khác biệt về quan điểm sống, giá trị cá nhân hoặc cách nuôi dạy con cái khiến vợ chồng thường xuyên xảy ra tranh cãi, khó tìm được tiếng nói chung.
- Khi hai người không còn muốn tâm sự hay quan tâm tới cảm xúc của nhau, không còn muốn yêu thương, chăm sóc nhau nữa thì mối quan hệ sẽ dần trở nên lạnh nhạt và xa cách.
- Một trong hai bên ngoại tình hoặc phát hiện đối phương ngoại tình sẽ làm mất đi nền tảng tin tưởng cũng là nguyên nhân dẫn đến ly hôn.
- Khó khăn về kinh tế, thất nghiệp hoặc quản lý tài chính không hợp lý dễ tạo ra căng thẳng, mâu thuẫn trong gia đình.
- Các hành vi bạo lực gia đình về thể chất, tinh thần hoặc lạm dụng dưới mọi hình thức đều là nguyên nhân dẫn đến ly hôn.
- Khi vợ chồng không tôn trọng lẫn nhau, cúc phạm nhau, làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, tổn thất về tinh thần hoặc gây thương tích, tổn hại đến sức khỏe của nhau thì tình cảm dần mai một và trở nên rạn nứt.
- Sự can thiệp quá mức từ gia đình nội, ngoại hoặc các mối quan hệ ngoài luồng có thể làm tăng mau thuẫn giữa hai vợ chồng.
- …


2. Ai là người có quyền ly hôn?
Theo quy định tại Điều 51 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, những người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn bao gồm:
“1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.”
Như vậy, ngoài vợ và chồng, một số người thân cũng có thể yêu cầu ly hôn trong các trường hợp đặc biệt được quy định. Tuy nhiên, trong thời kỳ người vợ mang thai, sinh con hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng, người chồng không thể chủ động yêu cầu ly hôn.
3. Điều kiện ly hôn theo quy định pháp luật
Ly hôn là quyết định mang tính bước ngoặt, thường chỉ được lựa chọn khi mối quan hệ vợ chồng không thể duy trì. Ở Việt Nam, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định cụ thể về các điều kiện cũng như hai hình thức ly hôn chính: thuận tình ly hôn và ly hôn đơn phương. Cụ thể:
3.1. Thuận tình ly hôn
Theo Điều 55 thì thuận tình ly hôn xảy ra khi cả vợ và chồng đều đồng thuận chấm dứt quan hệ hôn nhân. Để được công nhận thuận tình ly hôn, hai bên phải cùng tự nguyện nộp đơn và đã đạt được sự thỏa thuận về các vấn đề liên quan như: chia tài sản chung, quyền nuôi con, nghĩa vụ cấp dưỡng và các vấn đề khác. Những thỏa thuận này phải đảm bảo quyền lợi hợp pháp của vợ, chồng và con cái.


3.2. Ly hơn phương
Theo khoản 1 Điều 56 được hướng dẫn bởi Điều 4 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP quy định về ly hôn theo yêu cầu của một bên hay còn gọi tắt là ly hôn đơn phương diễn ra khi chỉ một bên (vợ hoặc chồng) yêu cầu ly hôn mà không có sự đồng ý của người kia. Để Tòa án xem xét cho ly hôn đơn phương, phải có căn cứ hợp pháp, bao gồm:
1. “Vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình” là vợ, chồng có hành vi quy định tại khoản 1 Điều 3 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
2. “Vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng” là vi phạm quy định của Luật Hôn nhân và gia đình về quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng dẫn đến xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người kia.
Ví dụ: Vợ, chồng phá tán tài sản gia đình.
3. “Hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được” là thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Không có tình nghĩa vợ chồng, ví dụ: vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau; vợ, chồng sống ly thân, bỏ mặc vợ hoặc chồng;
b) Vợ, chồng có quan hệ ngoại tình;
c) Vợ, chồng xúc phạm nhau, làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, tổn thất về tinh thần hoặc gây thương tích, tổn hại đến sức khỏe của nhau;
d) Không bình đẳng về quyền, nghĩa vụ giữa vợ, chồng; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển.
4. Trường hợp ly hôn khác
Tại khoản 2 Điều 56 có quy định thêm 2 trường hợp được phép ly hôn đơn phương là:
- Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
- Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.
Trường hợp 1: Nếu vợ hoặc chồng mất tích mà đã được tòa tuyên bố mất tích thì người còn lại có quyền yêu cầu Tòa án cho ly hôn.
Trường hợp 2: Vợ hoặc chồng mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mất khả năng nhận thức, làm chủ hành vi, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình, thì cha mẹ hoặc người thân thích khác có quyền thay mặt yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
Hướng dẫn thủ tục ly hôn cơ bản, đơn giản nhất:
- Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ gồm: Đơn ly hôn (theo mẫu), bản sao giấy đăng ký kết hôn, CMND/CCCD, sổ hộ khẩu, giấy khai sinh của con (nếu có), tài liệu về tài sản chung, nợ chung (nếu có).
- Bước 2: Nộp hồ sơ tại Tòa án nơi vợ hoặc chồng (là bị đơn) cư trú, làm việc.
- Bước 3: Nộp tiền tạm ứng án phí theo thông báo của Tòa án.
- Bước 4: Tòa án xem xét, hòa giải (nếu cần), xét xử (đơn phương) và ra bản án ly hôn.
- Bước 5: Tòa án đã giải quyết ly hôn sẽ gửi bản án ly hôn đã có hiệu lực pháp luật cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn để ghi vào sổ hộ tịch; hai bên ly hôn; cá nhân, cơ quan, tổ chức khác theo quy định. Kể từ ngày bản án ly hôn có hiệu lực pháp luật thì mối quan hệ hôn nhân đó chấm dứt.
Trên đây là những thông tin về nguyên nhân dẫn đến ly hôn và các quy định pháp luật liên quan để độc giả cùng tham khảo. Nếu Quý Khách hàng còn thắc mắc hoặc cần hỗ trợ thêm về các vấn đề pháp lý, xin vui lòng liên hệ Luật sư Ly hôn nhanh theo thông tin bên dưới để được tư vấn chi tiết.