Nguyên tắc cơ bản Luật hôn nhân và gia đình
Luật hôn nhân và gia đình là ngành luật trong hệ thống pháp luật dân sự, vừa tuân thủ quy tắc chung của ngành luật Dân sự vừa đảm bảo tuân thủ những nguyên tắc riêng của ngành luật hôn nhân và gia đình. Bài viết hôm nay chúng tôi sẽ cùng các bạn tìm hiểu những nguyên tắc cơ bản của Luật hôn nhân và gia đình.
Nguyên tắc cơ bản của Luật hôn nhân và gia đình được hiểu là những điều cơ bản, tư tưởng chỉ đạo nền tảng, mang tính định hướng trong suốt quá trình xây dựng thực hiện pháp luật hôn nhân gia đình. Các cá nhân, tổ chức tuân thủ các nguyên tắc khi thực hiện những hành động chịu sự điều chỉnh của ngành luật này như kết hôn, ly hôn, chia tài sản , quan hệ gia đình, cấp dưỡng….
Mục lục
1. Nguyên tắc hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng của luật hôn nhân gia đình
Khoản 1 Điều 36 Hiến pháp năm 2013:
“Nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau.”
Luật hôn nhân và gia đình đã kế thừa nguyên tắc trong hiến pháp để phát triển thành nguyên tắc của ngành luật riêng biệt.
Tại khoản 1 Điều 2 thể hiện nguyên tắc này trên cơ sở nam, nữ có quyền xác lập quan hệ hôn nhân trên cơ sở tự nguyện quyết định mà không có bất kỳ sự cưỡng ép, ép buộc hay bất kỳ tác động chủ quan nào. Từ cơ sở của nguyên tắc này mà pháp luật đã quy định rõ việc nam, nữ kết hôn nhưng không do sự tự nguyện quyết định là một trong những trường hợp bị cấm kết hôn. Sự tự nguyện này cũng áp dụng tương tự trong trường hợp vợ chồng thuận tình ly hôn.
Quan hệ hôn nhân chỉ được phép duy trì trong đó chỉ có một người chồng và một người vợ. Trong mối quan hệ này đôi bên bình đẳng với nhau về quyền và nghĩa vụ đối với mọi mặt.
2. Không phân biệt đối xử
Trong quan hệ hôn nhân, không phân biệt đối xử lẫn nhau. Hôn nhân có thể xác lập giữa công dân Việt Nam và những công dân khác trên thế giới, giữa các dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng, sắc tộc,….
Trong quy định của pháp luật, nam nữ kết hôn với nhau phải tuân thủ về các điều kiện như độ tuổi kết hôn, thủ tục kết hôn chứ không hề có quy định nào về điều kiện hay sự phân biệt đối xử giữa các chủ thể với nhau.
3. Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc
Nguyên tắc này dựa trên mục đích kết hôn của nam và nữ khi xác lập mối quan hệ vợ chồng. Để thực hiện mục tiêu này thì các thành viên gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau và không phân biệt đối xử giữa các con.
Gia đình có ấm no, tiến bộ, hạnh phúc thì hôn nhân mới bền vững, xã hội mới phát triển, việc quy định điều này là nguyên tắc cơ bản là ghi nhận lại điều đó trong văn bản pháp luật, là cơ sở để xử phạt những hành vi vi phạm quy định nêu trên.
4. Bảo vệ quyền lợi của các thành viên
Nguyên tắc này ghi nhận trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc bảo vệ người già, trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ….
Những thành viên kể trên trong gia đình là thành phần được đánh giá là yếu thế hơn và cần được bảo vệ khi kêu cứu. Do vậy nhà nước, xã hội, gia đình phải có trách nhiệm bảo vệ những đối tượng trên.
5. Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp
Gia đình là tế bào của xã hội, vì vậy việc giữ gìn, kế thừa, phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc góp phần quan trọng vào việc phát triển xã hội.
Nguyên tắc này thể hiện sự tôn vinh những giá trị truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của gia đình Việt Nam.
Cùng với sự phát triển của đất nước, việc tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại trong thời kỳ hội nhập là điều tích cực, tuy nhiên việc tiếp thu phải có chọn lọc không nên để ảnh hưởng tới truyền thống văn hóa, đạo đức của dân tộc ta về hôn nhân và gia đình.