Phân chia tài sản không có di chúc
Pháp luật cho phép phân chia di sản của người chết theo hai cách thức là di chúc hoặc theo quy định của luật. Trong đó cách thức thừa kế theo pháp luật là một trong những vấn đề được quan tâm rất nhiều trong thời gian gần đây. Vốn dĩ có nhiều nguyên nhân để dẫn đến trường hợp di sản thừa kế phải chia theo cách thức này. Trong đó chủ yếu xuất phát từ việc người chết ra đi đột ngột và không có di chúc hoặc có di chúc nhưng di chúc không thoả mãn các điều kiện để phát sinh hiệu lực. Khi đó việc phân chia tài sản không có di chúc sẽ được áp dụng theo phương thức này.
Mục lục
Cách thức phân chia tài sản không có di chúc
Việc di sản để lại nhưng có có di chúc thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 650 Bộ luật dân sự 2015. Đây là một trong những trường hợp được áp dụng phương thức thừa kế theo pháp luật. Đó là việc thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định. Vì vậy khi một người chết mà không để lại di chúc thì phần di sản của họ sẽ mặc nhiên được phân chia cho các hàng thừa kế.
Việc phân chia di sản, tài sản đó được thực hiện theo quy định tại Điều 660 Bộ luật dân sự 2015. Theo đó khi phân chia di sản, nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng. Để nếu người thừa kế đó còn sống khi sinh ra thì được hưởng phần di sản tương ứng. Nếu chủ thể đó chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng theo quy định.
Về nguyên tắc, những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật. Trường hợp phần di sản không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá hiện vật. Sau đó tiến hành thỏa thuận về người nhận hiện vật. Nếu không thể đi đến thỏa thuận thống nhất thì hiện vật được bán để phân chia.
Đối tượng được phân chia tài sản không có di chúc
Nếu di chúc có thể để lại di sản cho bất cứ ai theo mong muốn của người lập thì việc thừa kế theo pháp luật chỉ được áp dụng đối với một số chủ thể nhất định. Những chủ thể này cũng chính là các hàng thừa kế đã được quy định. Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 có quy định cụ thể về nhóm đối tượng này bao gồm:
– Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
– Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
– Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Nguyên tắc khi phân chia là những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Đối với những người ở hàng thừa kế sau thì chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.