Quy định của pháp luật về hiệu lực của di chúc
Để có thể đảm bảo tài sản của mình được để lại cho những người thân thích, gần gũi trong trường hợp rủi ro xảy ra, người lập di chúc cần thiết phải nắm rõ các quy định pháp luật liên quan về hiệu lực của di chúc.
Sự cần thiết của lập di chúc
Quy định của pháp luật về quyền thu hồi đất
Quyền có lối đi riêng
Quan hệ thừa kế là một loại quan hệ pháp luật xuất hiện từ lâu và phổ biến trong xã hội. Trong xã hội hiện nay, việc lập di chúc của những người còn sống với mục đích chuyển dịch tài sản của mình cho những người còn sống khác, sau khi người lập di chúc chết là một vấn đề rất được quan tâm, bởi lẽ nó không chỉ tác động to lớn đến bản thân người lập di chúc mà còn bao gồm những cá nhân trong gia đình và người được thừa hưởng di sản được nêu trong di chúc.
Theo quy định của Điều 646 Bộ luật dân sự 2005 (BLDS 2005) thì “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”. Có thể thấy Di chúc chính là phương tiện để phản ánh ý chí của người có tài sản trong việc định đoạt tài sản của họ cho người khác sau khi chết. Một người có thể có nhiều bản Di chúc để định đoạt một loại tài sản. Tuy nhiên, chỉ có Di chúc đáp ứng các điều kiện luật định và thể hiện ý chí sau cùng của người lập Di chúc mới có hiệu lực pháp luật.
Di chúc thường được biểu hiện thông qua một trong hai hình thức: Di chúc miệng và Di chúc bằng văn bản. Dù là hình thức nào thì cũng phải đáp ứng điều kiện:
- Người lập di chúc nếu là người đã thành niên thì họ không bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi. Ngoài ra, người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể lập di chúc nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý (Điều 647 BLDS 2005).
- Người lập di chúc phải minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép;
- Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật (Khoản 1, Điều 652 BLDS 2005)

Quy định của pháp luật về hiệu lực của di chúc
Với những quy định này, pháp luật đã thể hiện rõ nguyên tắc tôn trọng ý chí định đoạt tài sản của người lập Di chúc. Tuy nhiên, sự tự định đoạt này cũng có những giới hạn nhất định để bảo đảm không ảnh hưởng đến các lợi ích chung của xã hội.
Song hành với các điều kiện về ý chí của người lập Di chúc nên trên, Di chúc để có hiệu lực còn phải tuân thủ một cách chặt chẽ các quy định về hình thức, cụ thể:
- Đối với Di chúc miêng: để tạo điều kiện cho người lập Di chúc khi rơi vào các trường hợp nguy hiểm đến tính mạng có thể để lại tài sản của mình cho người gần gũi, BLDS 2005 quy định: “ trong trường hợp tính mạng của một người bị cái chết đe dọa do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác mà không thể lập Di chúc bằng văn bản thì có thể lập Di chúc miệng”. Di chúc bằng miệng được coi là hợp pháp nếu người lập Di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người lập Di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì Di chúc phải được công chứng, chứng thực. Tuy nhiên, trong trường hợp, sau ba tháng, kể từ thời điểm lập Di chúc miệng mà người lập Di chúc còn sống, minh mẫn, sang suốt thì Di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ. Đây là những quy định hoàn toàn hợp lý và bảo vệ hiệu quả ý chí, nguyện vọng của người lập Di chúc.
- Đôi với Di chúc bằng văn bản: Di chúc bằng văn bản bao gồm: Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng; Di chúc bằng văn bản có người làm chứng; Di chúc bằng văn bản có công chứng; Di chúc bằng văn bản có chứng thực. Về nguyên tắc, dù thuộc loại văn bàn nào thì Di chúc phải thể hiện rõ các nội dung sau: Ngày, tháng, năm lập di chúc; Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc; Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản hoặc xác định rõ các điều kiện để cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản; Di sản để lại và nơi có di sản; Việc chỉ định người thực hiện nghĩa vụ và nội dung của nghĩa vụ. Đồng thời, Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu; nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được đánh số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.
Đối với mỗi loại Di chúc bằng văn bản được nêu ở trên thì còn phải đáp ứng những điều kiện riêng biêt khác phù hợp với hình thức đó theo quy định tại Điều 655, Điều 656, Điều 657, Điều 658 BLDS 2005.
Trên đây là những điều kiện cơ bản để có hiệu lực của Di chúc. Thực tế cho thấy, đã có rất nhiều trường hợp sau khi người lập Di chúc qua đời, những người được thừa kế trong Di chúc của họ không được hưởng các tài sản thừa kế do Di chúc không có hiệu lực pháp luật. Do đó, để đảm bảo ý chí của mình được thực hiện trên thực tê, bản thân người lập Di Chúc cũng như những người liên quan cần tìm hiểu các quy định pháp luật nêu trên.