Quy định của pháp luật về quyền thu hồi đất
Luật Đất đai 2013 đã chính thức được thông qua, khắc phục được những điểm bất cập trong pháp luật hiện hành, trong đó làm rõ các trường hợp về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Việc nắm bắt được các quy định của pháp luật sẽ có ý nghĩa quan trọng, giúp bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người dân.
Quyền có lối đi riêng
Mua nhà dưới hình thức góp vốn đầu tư – Kỳ 3
Mua nhà dưới hình thức góp vốn đầu tư – Kỳ 2
Sau 10 năm thi hành, Luật Đất đai năm 2003 đã bộc lộ nhiều điểm không phù hợp với thực tế, trong đó phải kể đến những bất cập trong các quy định về thu hồi đất. Việc thu hồi đất diễn ra một cách tùy tiện, mức bồi thường không tương xứng với giá trị của đất thu hồi,… đã và đang gây nhức nhối trong xã hội, là nguyên nhân của nhiều khiếu nại, khiếu kiện hành chính.
Đặc biệt, nhiều cá nhân, tổ chức đã lợi dụng các quy định của pháp luật để trục lợi. Trước thực trạng này, Luật Đất đai 2013 đã chính thức được thông qua, khắc phục được những điểm bất cập trong pháp luật hiện hành, trong đó làm rõ các trường hợp về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Việc nắm bắt được các quy định của pháp luật sẽ có ý nghĩa quan trọng, giúp bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người dân.
Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước quyết định thu lại quyền sử dụng đất của người được Nhà nước trao quyền sử dụng đất hoặc thu lại đất của người sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai.
Quy định thu hồi đất đã được ghi nhận trong đạo luật tối cao của Nhà nước là Hiến pháp 2013: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Bởi lẽ, nếu việc thu hồi đất không được thực hiện đúng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quyền cơ bản của công dân. Luật Đất đai năm 2013 được đánh giá là quy định khá chặt chẽ các trường hợp thu hồi đất và thống nhất với Hiến pháp 2013.
Theo đó, Nhà nước chỉ được quyền thu hồi đất trong 03 trường hợp:
(1) Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng;
(2) Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai và
(3) Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người.
Trong đó, việc thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội thường diễn ra rất phổ biến, đặc biệt là khi các dự án kinh tế mọc lên ngày càng nhiều.
Điều 62 Luật Đất đai 2013 đã thu hẹp phạm vi các loại dự án được phép thu hồi đất, đó là các dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, các dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư và các dự án do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận.
Quy định này góp phần hạn chế tình trạng thu hồi đất tràn lan, thu hồi đất để thực hiện các dự án không hiệu quả. Ngoài ra, bên cạnh việc đáp ứng các trường hợp nhất định, việc thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng phải dựa trên kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và tiến độ sử dụng đất thực hiện dự án.
Khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng thì người sử dụng đất được Nhà nước bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật.
Đây là vấn đề gây ra nhiều bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến việc thực hiện công bằng xã hội nên Luật quy định khá chi tiết. Chỉ những người sử dụng đất đáp ứng đủ các điều kiện luật định thì mới được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất. Việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi.
Giá đất bồi thường sẽ không áp dụng theo bảng giá đất như quy định cũ mà áp dụng giá đất cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất. Cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh có trách nhiệm giúp UBND cấp tỉnh tổ chức việc xác định giá đất cụ thể.
Trong quá trình thực hiện, cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh được thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất để tư vấn xác định giá đất cụ thể.Việc xác định giá đất cụ thể phải dựa trên cơ sở điều tra, thu thập thông tin về thửa đất, giá đất thị trường và thông tin về giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai; áp dụng phương pháp định giá đất phù hợp.
Căn cứ kết quả tư vấn xác định giá đất, cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh trình Hội đồng thẩm định giá đất xem xét trước khi trình UBND cùng cấp quyết định.
Như vậy, với các quy định mới trong Luật Đất đai 2013, quyền lợi của người dân sẽ được đảm bảo khi Nhà nước tiến hành thu hồi đất. Việc thu hồi đất chỉ được tiến hành đối với các dự án quan trọng, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Mức bồi thường sẽ tương xứng với giá thị trường của đất bị thu hồi, tránh trường hợp bồi thường với giá rẻ để các cá nhân, tổ chức trục lợi. Luật Đất đai 2013 sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 01/7/2014, là cơ sở hoàn thiện hệ thống pháp luật đất đai hiện hành.