Quy định pháp luật về việc dạy thêm và học thêm
Dạy thêm và học thêm là vấn đề gây nhiều tranh cãi hiện nay, đặc biệt khi TPHCM đang có chủ trương bỏ hoàn toàn hoạt động này nếu không phải tại trung tâm dạy thêm có đăng ký.
Vợ hoặc chồng trốn trách nghĩa vụ cấp dưỡng phải làm sao?
Quyền đứng tên của vợ chồng
Các hành vi bị nghiêm cấm trong hôn nhân
Mục lục
Quy định về dạy thêm và học thêm
Dạy thêm và học thêm được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định về vấn đề này. Theo đó, hoạt động dạy thêm và học thêm “là hoạt động dạy học phụ thêm có thu tiền của người học, có nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông nhưng ngoài kế hoạch giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.”
Dạy thêm và học thêm được chia làm hai trường hợp bao gồm:
- Dạy thêm và học thêm trong nhà trường: là do cơ sở giáo dục công lập (cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng,…) tổ chức.
- Dạy thêm và học thêm ngoài nhà trường: do các nơi không thuộc các cơ sở giáo dục nêu trên tổ chức.
Nguyên tắc dạy thêm và học thêm
- Hoạt động dạy thêm và học thêm phải góp phần củng cố và nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; việc này phải phù hợp với tâm sinh lý cũng như không gây tình trạng quá tải cho người học.
- Không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào dạy thêm, không dạy thêm trước nội dung của chương trình giáo dục phổ thông.
- Đối tượng học thêm và dạy thêm là những học sinh có nhu cầu, tự nguyện và được gia đình đồng ý.
- Không được tổ chức lớp học thêm và dạy thêm theo các lớp học chính khóa; học sinh trong cùng một lớp dạy thêm phải có học lực tương đương nhau.
- Tổ chức hay cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm phải chịu trách nhiệm về các nội dung đã đăng ký và phải xin phép tổ chức hoạt động dạy thêm và học thêm.
Các trường hợp không được dạy thêm
Theo quy định của Pháp luật, dạy thêm và học thêm vẫn được công nhận, tuy nhiên cũng có một số trường hợp không được thực hiện hoạt động này, bao gồm:
- Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy 2 buổi/ngày.
- Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
- Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm và học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.
- Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập:
+ Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường’
+ Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.
Một số các lưu ý khác về việc dạy thêm và học thêm
Bên cạnh đó, vấn đề học phí cũng là vần đề đáng lưu ý ở Thông tư này:
- Đối với cơ sở trong nhà trường: thu tiền học thêm để trả thù lao cho giáo viên trực tiếp dạy thêm, quản lý việc dạy thêm, chi trả tiền điện, nước và cơ sở vật chất phục vụ việc dạy thêm. Mức học phí là do thỏa thuận giữa cha, mẹ học sinh với nhà trường.
- Đối với cơ sở ngoài nhà trường: mức thu tiền học thêm do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với tổ chức, cá nhân dạy thêm và học thêm.
Ngoài những thông tin đáng lưu ý nêu trên về vấn đề dạy thêm và học thêm, Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT còn quy định những vấn đề như cơ sở vật chất cũng như yêu cầu về phẩm chất, sức khỏe của người thực hiện việc dạy thêm.
Như vậy, học sinh khi tham gia các lớp học thêm cần phải hiểu rõ về quyền lợi cũng như nghĩa vụ của mình. Tổ chức hay cá nhân thực hiện dạy thêm và học thêm phải chịu trách nhiệm về nội dung và phải thực hiện các thủ tục đăng ký, xin phép trước khi thực hiện để tránh những trường hợp trái pháp luật đáng tiếc xảy ra.