Quyền nuôi con sau ly hôn của vợ chồng hiện nay
Khi quan hệ vợ chồng mâu thuẫn đến đỉnh điểm thì họ sẽ lựa chọn ly hôn. Nhắc tới ly hôn thì vấn đề tài sản và con cái luôn là đề tài được quan tâm, chú trọng, đặc biệt là con cái. Để hiểu rõ hơn về quyền nuôi con sau ly hôn và các vấn đề liên quan, mời các bạn theo dõi bài viết dưới đây.
Mục lục
Quyền nuôi con sau ly hôn theo quy định mới như thế nào?
Người bố người mẹ vẫn có quyền nuôi con sau ly hôn trong các trường hợp:
- Con chưa thành niên
- Con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có đủ khả năng để lao động và không có tài sản để tự nuôi sống bản thân mình.
(tham khảo khoản 1 Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014)
Để quyết định ai sẽ là người được trực tiếp nuôi dạy con cái, về nguyên tắc Tòa án sẽ dựa vào sự thỏa thuận của người vợ và người chồng về việc ai sẽ là người trực tiếp nuôi dạy con cái, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên. Nếu hai vợ chồng không có sự thỏa thuận hoặc thỏa thuận không được thì Tòa án sẽ quyết định giao con cho người mẹ hoặc người chồng nuôi dạy dựa trên quyền lợi về mọi mặt của bé.
Lưu ý 1: Nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì trước khi quyết định bố hoặc mẹ sẽ trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc phải xem xét nguyện vọng của con.
Lưu ý 2: Con dưới 36 tháng tuổi sẽ được giao cho người mẹ trực tiếp nuôi dưỡng, trừ trường hợp người mẹ không có đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con hoặc người bố người mẹ có thỏa thuận khác đảm bảo lợi ích của con.
Hướng dẫn khởi kiện đòi lại quyền nuôi con sau ly hôn?
Khi có quyết định ly hôn từ Tòa án, tức là hai người không còn quan hệ vợ chồng và họ phải tự thỏa thuận với nhau hoặc thông qua Tòa án để xác định về việc ai sẽ là người trực tiếp nuôi con.
Khi bạn muốn khởi kiện đòi lại quyền nuôi con thì cần lưu ý những vấn đề sau:
Thứ nhất, về điều kiện chủ thể
Người trực tiếp nuôi dạy con cái phải là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, phải có tư cách đạo đức, nhân phẩm tốt và không thuộc các trường hợp bị hạn chế quyền làm cha làm mẹ đối với con cái, như: Có hành vi phá tán tài sản của con cái, có lối sống đồi trụy,…
Thứ hai, điều kiện về kinh tế
Người muốn giành lại quyền nuôi con cần chứng minh bản thân có đủ điều kiện vật chất tốt hơn người vợ/người chồng của họ để đảm bảo vấn đề nuôi sống người con và đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người con, như chứng minh về nguồn thu nhập, chỗ ở hợp pháp,…
Thứ ba, điều kiện về tinh thần
Bạn cần chứng minh bản thân có thời gian chăm sóc, nuôi dạy, giáo dục, tình cảm dành cho con từ trước đến nay, không có hành vi bạo lực gia đình đối với con cái,… nhằm mục đích tạo môi trường sống, học tập, vui chơi cho người con; để hình thành và phát triển nhân cách bình thường của người con.
Khi nào cha mẹ bị hạn chế quyền đối với con?
Theo quy định tại Điều 85 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì cha mẹ bị hạn chế quyền trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ 01 năm đến 05 năm khi thuộc một trong những trường hợp sau:
- Khi bị kết án về tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm hoặc danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng tới nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con
- Phá tán tài sản của con cái
- Có lối sống đồi trụy
- Xúi giục hoặc ép buộc con làm những việc trái với pháp luật, trái với đạo đức xã hội.