Sống chung sau ly hôn có phạm pháp không?
Sau khi ly hôn nhiều cặp đôi quyết định chấm dứt với nhau, thường một trong hai bên vợ, chồng sẽ chuyển ra ngoài để ở. Tuy nhiên trong một số trường hợp thì cả hai vẫn quyết định chung sống với nhau sau ly hôn. Nhiều cặp vợ chồng sau ly hôn đặt câu hỏi liệu sống chung sau ly hôn có phạm pháp hay không? Bài viết hôm nay chúng tôi sẽ làm rõ vấn đề này.
Mục lục
1. Sống chung sau ly hôn có phạm pháp không?
Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ hôn nhân giữa vợ và chồng, theo quy định tại Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 vợ hoặc chồng đều có quyền yêu cầu ly hôn:
Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn
1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Vợ chồng sẽ chính thức chấm dứt quan hệ hôn nhân bằng bản án, quyết định của Tòa án có thẩm quyền. Khi ly hôn, vợ chồng sẽ thỏa thuận về việc chia tài sản chung, quyền và nghĩa vụ với con cái…. nếu không thỏa thuận được sẽ chia tài sản theo quy định pháp Luật.
Pháp luật có quy định trường hợp được lưu trú trong nhà nhau thêm 6 tháng, cụ thể Điều 63 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định :
“Nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng đã đưa vào sử dụng chung thì khi ly hôn vẫn thuộc sở hữu riêng của người đó; trường hợp vợ hoặc chồng có khó khăn về chỗ ở thì được quyền lưu cư trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày quan hệ hôn nhân chấm dứt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”
Tuy nhiên trong trường hợp các bên có thỏa thuận thì vẫn có thể sống chung sau ly hôn. Tuy nhiên việc chung sống với nhau sau ly hôn cần cân nhắc rất nhiều vấn đề, bởi vì đó có thể là quyết định nhất thời và nó có thể gây tổn thương cho đối phương một lần nữa.
Tóm lại pháp luật không có bất cứ quy định nào cấm vợ chồng sống chung sau ly hôn, tuy nhiên cần lưu ý một số vấn đề pháp lý khi sống chung như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn.
2. Chung sống như vợ chồng
Ly hôn làm vợ chồng chấm dứt quan hệ hôn nhân bằng bản án, quyết định của Tòa án có thẩm quyền. Đây là sự kiện pháp lý kết thúc quan hệ hôn nhân, vợ chồng không còn ràng buộc nhau về mặt pháp lý hay tài sản. Vì vậy khi ly hôn cả hai đang ở trong tình trạng độc thân vì vậy khi họ tiếp tục chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn sẽ không phát sinh nghĩa vụ của vợ và chồng.
Khi phát sinh con hệ tài sản hay con cái thì sẽ căn cứ theo quy định của pháp luật dân sự và Luật hôn nhân gia đình để giải quyết. Cụ thể tại Điều 14, Điều 15, Điều 16 Luật hôn nhân gia đình có quy định rõ trường hợp chung sống như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn.
Điều 16. Giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn
1. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập”.