Sử dụng giấy chứng nhận ly hôn giả có vi phạm luật không?
Sử dụng giấy chứng nhận ly hôn giả là hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ hôn nhân đã được Nhà nước bảo vệ. Sở dĩ việc sử dụng giấy tờ ly hôn giả ngày càng phổ biến bởi tính nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và chi phí cũng như công sức so với việc thực hiện thủ tục tại Tòa án. Tuy nhiên, việc làm này sẽ gây ra hậu quả pháp lý nghiêm trọng đến các bên có liên quan. Vậy xử lý hành vi này sẽ diễn ra như thế nào và mức phạt là bao nhiêu?
Mục lục
Giấy chứng nhận ly hôn giả là gì?
Chứng nhận ly hôn giả mạo là loại giấy tờ không phải do Cơ quan có thẩm quyền cấp. Người dùng lợi dụng một số cơ sở trái phép để mua hoặc đóng dấu, mạo danh Tòa án để thực hiện mục đích của mình. Đây là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm bởi nó ảnh hưởng đến uy tín, trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, nó sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với chính những người liên quan, đặc biệt là bị đơn.
Đa phần những người sử dụng giấy tờ chứng nhận ly hôn giả thường rơi vào trường hợp Tòa án không chấp nhận đơn, hoặc lợi dụng ly hôn giả tạo để thực hiện ý đồ của mình,… Mục đích của ly hôn giả tạo thường liên quan đến trách nhiệm hoặc nghĩa vụ tài sản hoặc đạt mục đích khác mà không nhằm chấm dứt hôn nhân. Sử dụng giấy chứng nhận ly hôn không được xác nhận bởi Tòa án là biểu hiện của ly hôn giả tạo được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
Sử dụng loại giấy tờ này sẽ bị xử phạt như thế nào?
Để ngăn chặn và xử lý hành vi sử dụng cũng như làm giả giấy chứng nhận ly hôn, pháp luật đã đưa ra chế tài xử phạt. Cụ thể được quy định tại Điều 341 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017):
Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức
1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức
b) Phạm tội 02 lần trở lên
c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác
d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng
đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng
e) Tái phạm nguy hiểm
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên
b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng
c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Muốn tiến hành thủ tục ly hôn nhanh cần phải làm gì?
Như đã phân tích, sử dụng giấy chứng nhận ly hôn giả sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm. Đối với trường hợp nghiêm trọng hơn, việc xử phạt sẽ được áp dụng theo khoản 2, khoản 3 của Điều 341 Bộ Luật hình sự 2015.
Do đó, nếu vợ chồng không thể chung sống và có mong muốn ly hôn thuận tình thì vẫn phải tiến hành thủ tục theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, để vụ việc được giải quyết nhanh chóng, các chủ thể nên tìm hiểu trước về ly hôn và những vấn đề phát sinh.
Trong trường hợp đơn phương ly hôn, vợ hoặc chồng nên thu thập chứng cứ và các tài liệu liên quan, phục vụ cho mục đích giành quyền nuôi con, quyền tài sản để quá trình tranh chấp diễn ra được thuận lợi.