Thu nhập bao nhiêu thì giành được quyền nuôi con?
Tranh chấp giành quyền nuôi con là một trong những vấn đề thường xuyên xảy ra khi hai vợ chồng không thỏa thuận được về người trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con sau khi ly hôn. Trên thực tế, khi giải quyết tranh chấp về con chung Tòa án sẽ xem xét đến những điều kiện vật chất và tinh thần của hai bên để đưa ra bản án/quyết định cuối cùng xem ai sẽ là người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.
Xem thêm:
Nghĩa vụ cấp dưỡng sau khi ly hôn
Ai là người được quyền nuôi dưỡng con sau ly hôn
Khi không đăng ký kết hôn quyền nuôi con sẽ thuộc về ai
Mục lục
Quyền và nghĩa vụ nuôi con sau khi ly hôn
Căn cứ theo quy định tại Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:
“2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”.
Như vậy, nếu như con dưới 36 tháng tuổi, Tòa án ưu tiên giành quyền nuôi con cho người mẹ nếu như người mẹ có đủ điều kiện để nuôi dưỡng con. Trường hợp con trên 36 tháng tuổi mà hai vợ chồng không thỏa thuận được người trực tiếp nuôi con thì Tòa án sẽ căn cứ vào những điều kiện vật chất và tinh thần của hai bên, bên nào có những điều kiện tốt hơn đảm bảo cho con phát triển tốt thì Tòa án sẽ giao quyền nuôi con cho người đó.
Thu nhập bao nhiêu có thể giành được quyền nuôi con
Trong trường hợp con từ đủ 36 tháng tuổi trở lên mà vợ chồng không thỏa thuận được về người trực tiếp nuôi con thì Tòa án sẽ xác định ai là người trực tiếp nuôi con. Hiện nay, pháp luật không có quy định cụ thể vợ/ chồng phải có thu nhập bao nhiêu thì có quyền nuôi con mà Tòa án sẽ xem xét đến các yếu tố như về kinh tế, chỗ ở, về thời gian chăm sóc con, tư cách đạo đức…để đưa ra quyết định cuối cùng. Cụ thể như sau:
Điều kiện về vật chất
+ Về chỗ ở: Khi yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về con chung, vợ hoặc chồng cần cung cấp giấy tờ để chứng minh có chỗ ở hợp pháp, ổn định sau khi ly hôn, ví dụ như Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất; Bản sao có chứng thực Hợp đồng thuê nhà ở…
+ Về thu nhập hàng tháng: Cần chứng minh được vợ hoặc chồng đang có thu nhập ổn định và hợp pháp để có thể nuôi dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn. Điều này có thể được chứng minh thông qua Bảng lương hoặc Giấy xác nhận về thu nhập nơi cơ quan, tổ chức nơi vợ hoặc chồng công tác, làm việc.
Điều kiện về tinh thần
+ Về thời gian chăm sóc con: Cần chứng minh được bản thân có đủ thời gian chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ con sau khi ly hôn. Yếu tố này đóng vai trò quan trọng bởi chỉ khi cha, mẹ dành đủ thời gian cho con thì đứa trẻ mới có thể cảm nhận được sự che trở cũng như tình cảm của cha mẹ dành cho mình.
+ Về nhân cách đạo đức: Một khía cạnh nữa cũng sẽ được Tòa án xem xét khi giải quyết tranh chấp về con chung đó là nhân cách đạo đức của hai bên vợ chồng. Theo đó, vợ chồng cần thu thập chứng cứ chứng minh bản thân có nhân cách đạo đức tốt, lối sống lành mạnh, yêu thương con cái và gia đình.
+ Về môi trường sinh sống: Về điều kiện này Tòa án sẽ xem xét cha mẹ có sống trong môi trường lành mạnh, không có tệ nạn xã hội hay sống trong môi trường độc hại, thiếu thốn gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sự phát triển của con cái hay không? Các điều kiện về cơ sở vật chất y tế. trường học, khu vui chơi giải trí và các điều kiện khác đảm bảo cho sự phát triển của con có đảm bảo hay không?
Ngoài các điều kiện về vật chất và tinh thần nêu trên để chứng minh những lợi thế của bản thân khi giành quyền nuôi con, các bên đương sự cũng cần bổ sung thêm các chứng cứ chứng minh thể hiện những bất lợi của đối phương như: Công việc không ổn định hoặc không có công việc tạo ra thu nhập; thời gian làm việc không cố định, thường xuyên phải làm việc tăng ca vào ban đêm; có hành vi bạo lực đánh đập con;….
Có thế thấy rằng, pháp luật không quy định cụ thể về mức thu nhập của vợ/ chồng trong việc giành quyền nuôi con. Thay vào đó, vợ/ chồng cần phải cung cấp những chứng cứ chứng minh bản thân có đầy đủ những điều kiện vật chất và tinh thần để đảm bảo cho việc nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục con tốt sau khi ly hôn. Dựa trên cơ sở các chứng cứ chứng minh mà các bên cung cấp, Tòa án sẽ xem xét và ra quyết định cuối cùng.