Thủ tục đổi họ cho con sau ly hôn theo quy định như thế nào?
Lúc khai sinh, con sẽ mang họ của cha hoặc mẹ, thậm chí là cả hai. Khi ly hôn, nhiều người muốn bỏ họ của cha hoặc mẹ trong tên của con trong giấy khai sinh. Không những vậy, một số người còn có nhu cầu thay họ cũ của cha hoặc mẹ thành họ mới theo họ của người chồng hoặc vợ mới. Vậy thủ tục đổi họ cho con sau ly hôn được thực hiện như thế nào?
Mục lục
1. Các bước trong thủ tục đổi họ cho con sau ly hôn
Sau khi vấn đề tranh chấp quyền nuôi con đã được xử lý, người trực tiếp nuôi dậy con sẽ bắt đầu tìm hiểu cách để đổi họ cho con. Thủ tục thay đổi họ cho con sau khi cha mẹ ly hôn bao gồm các bước sau đây:
1.1. Chuẩn bị hồ sơ đổi họ cho con
Hồ sơ đổi họ cho con bao gồm những giấy tờ sau:
- Tờ khai: Nếu con trên 9 tuổi thì người khai cần phải đảm bảo tờ khai đổi hộ tịch có sự đồng ý của con. Tuy nhiên, nếu con không có đủ khả năng nhận thức hay không đủ năng lực hành vi nói chung thì không cần thông qua sự đồng ý của con.
- Bản sao công chứng và bản chính giấy tờ xác nhận nhận con nuôi (nếu có): Nếu muốn đổi họ của con sang họ của cha, mẹ nuôi thì hồ sơ cần có giấy xác nhận việc nhận con nuôi.
- Văn bản cha mẹ đồng ý đổi họ cho con từ họ cha sang họ mẹ hoặc ngược lại: Nếu muốn đổi họ cho con từ họ cha sang họ mẹ hoặc ngược lại thì phải có giấy xác nhận đồng ý đổi họ có chữ ký của cả cha và mẹ.
- Bản sao công chứng và bản chính giấy chứng nhận kết hôn (nếu có): Nếu muốn đổi họ của con sang họ của cha hoặc mẹ mới, trong đó cha hoặc mẹ mới đã kết hôn hợp pháp với mẹ hoặc cha của con, thì cần có loại giấy tờ này.
- Bản sao công chứng và bản chính giấy CMND/CCCD/hộ chiếu của cả cha và mẹ.
- Bản sao công chứng và bản chính giấy khai sinh của con.
- Bản sao công chứng và bản chính sổ hộ khẩu.
Lưu ý: Người làm đơn có thể tìm thấy tờ khai ở Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc ở trên Internet. Nếu tra cứu trên Internet thì tìm kiếm từ khóa “tờ khai đăng ký việc thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc”.
1.2. Nộp hồ sơ và tiến hành điều chỉnh
Sau khi chuẩn bị hồ sơ đầy đủ đổi họ của con, người đệ đơn cần nộp hồ sơ đến Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân cấp huyện. Tại đây, hồ sơ sẽ được đánh giá rơi vào 3 trường hợp.
Trường hợp 1: Hồ sơ hợp lệ
Nếu các giấy tờ đều được tổng hợp đầy đủ và đúng yêu cầu thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ sẽ tiến hành đối chiếu thông tin giữa bản sao công chứng và bản chính. Nếu thông tin trùng khớp thì được xem là hợp lệ. Khi đó, cán bộ sẽ thu lệ phí và viết Giấy biên nhận. Giấy này có ghi thông tin ngày trả hồ sơ.
Trường hợp 2: Hồ sơ chưa hợp lệ
Nếu cán bộ kiểm tra thấy hồ sơ chưa đủ, chưa đúng yêu cầu hoặc sai lệch giữa bản sao với bản chính thì hồ sơ được xem là không hợp lệ. Khi đó, cán bộ sẽ hướng dẫn người đệ đơn điều chỉnh tại chỗ. Đối với những văn bản không thể điều chỉnh ngay tại chỗ thì đương sự có thể ghi lại hướng dẫn để về chỉnh sửa sau.
Trường hợp 3: Hồ sơ không đúng thẩm quyền
Nếu cán bộ xét thấy Ủy ban nhân dân cấp huyện không đủ thẩm quyền giải quyết hồ sơ thì sẽ hướng dẫn đương sự đến cơ quan khác thích hợp.
Đặc biệt, nếu hồ sơ được gửi bưu điện thì mọi thông tin sẽ được thông báo về địa chỉ người gửi bằng một văn bản. Nếu hồ sơ không hợp lệ thì người gửi cần điều chỉnh theo hướng dẫn trong văn bản thông báo.
1.3. Chờ nhận Quyết định cho phép thay đổi họ
Khi hồ sơ đổi họ của con đã được xét là hợp lệ và đủ điều kiện thì cán bộ chuyên môn sẽ tiến hành thẩm định và cấp Quyết định cho phép thay đổi họ của con trong vòng 3 ngày làm việc. Trong đó, đủ điều kiện nghĩa là người đệ đơn đã nộp đủ lệ phí theo quy định và thỏa mãn những quy định khác được cán bộ tiếp nhận hồ sơ thông báo.
Nếu gửi đơn theo đường bưu điện thì thời gian cấp quyết định được tính từ thời điểm cơ quan tiếp nhận hồ sơ hợp lệ và đủ điều kiện. Ngoài ra, nếu xét thấy cần xác minh thêm thông tin thì thời gian cấp quyết định có thể lâu hơn, tối đa là 8 ngày.
2. Những câu hỏi liên quan đến đổi họ cho con
Khi làm thủ tục đổi họ cho con sau ly hôn, nhiều cá nhân có thắc mắc về các vấn đề liên quan trong thủ tục. Dưới đây là giải đáp cho vài câu hỏi phổ biến:
2.1. Đổi họ của con có cần thông qua ý kiến cha hoặc mẹ không?
Đổi họ của con cần phải thông qua ý kiến của cả cha và mẹ, người được ghi trong giấy khai sinh của con. Việc đồng ý này được thể hiện qua văn bản với chữ ký của cả hai người. Nếu không có đủ chữ ký xác nhận, hồ sơ đổi họ được xem là không hợp lệ.
2.2. Sau khi đổi họ thì có được đổi họ và bỏ tên cha hoặc mẹ trong giấy khai sinh không?
Con hoàn toàn có thể bỏ họ hoặc đổi tên cha hoặc mẹ trong giấy khai sinh nếu cả cha và mẹ đều đồng ý và có giấy xác nhận trong trường hợp con chưa đủ 18 tuổi. Nếu con đủ 18 tuổi thì có thể tự quyết định thay đổi họ của con và bỏ tên cha hoặc mẹ trong giấy khai sinh.