THỦ TỤC THAY ĐỔI NGƯỜI TRỰC TIẾP NUÔI CON SAU KHI LY HÔN
Thủ tục thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn được nhiều người quan tâm. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải tỏa những thắc mắc về vấn đề này.
Mục lục
Người trực tiếp nuôi con trong vụ án ly hôn
Hiện nay, vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà hai vợ chồng tiến đến quyết định ly hôn. Bên cạnh tài sản, con cái là việc mà vợ chồng phải thỏa thuận với nhau. Pháp luật đã quy định rõ về vấn đề này để bảo đảm quyền lợi của con khi cha mẹ ly hôn.
Theo Điều 81 của Luật Hôn nhân gia đình, quy định về quyền của cha mẹ đối với con cái sau ly hôn như sau: “cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con…”
Về vấn đề con cái thì vợ chồng tự thỏa thuận với nhau và được Tòa án ghi nhận trong bản án khi hai người ly hôn. Nếu hai bên không thỏa thuận được người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, Tòa án sẽ căn cứ vào nhiều yếu tố để giải quyết: độ tuổi của con, quyền lợi của con về mọi mặt và nếu con trên 7 tuổi thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Thay đổi người trực tiếp nuôi con
Trên thực tế, vì nhiều lý do và đặc biệt là vì lợi ích của con mà cha, mẹ hoặc cả cha mẹ yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con. Tại Điều 84 Luật Hôn nhân gia đình 2014, căn cứ thay đổi người trực tiếp nuôi con như sau:
- Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải phù hợp với lợi ích của con;
- Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Ngoài ra, nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên, việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con. Trong trường hợp cả cha và mẹ cũng không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án sẽ quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Hồ sơ thay đổi người trực tiếp nuôi con bao gồm:
- Đơn khởi kiện (theo mẫu);
- Bản án/Quyết định ly hôn;
- Sổ hộ khẩu, CMND của hai bên vợ chồng (bản sao chứng thực);
- Giấy khai sinh của con (bản sao chứng thực);
- Các tài liệu chứng minh cho yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Trong đó, ta cũng cần lưu ý tài liệu chứng minh cho yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con là có căn cứ và hợp pháp. Đây là tài liệu quan trọng để Tòa án ra quyết định ai là người trực tiếp nuôi con để đảm bảo quyền lợi về mọi mặt của con.
Một số căn cứ để thay đổi người trực tiếp nuôi con bao gồm: quá trình nuôi dạy con của người kia không tốt trong suốt thời gian qua, thời gian để chăm sóc con không tốt, không đủ khả năng về tài chính theo như chứng minh về công việc, tài sản, nhận xét của nhà trường,…
Thời hạn giải quyết:
4 – 6 tháng tùy vào tính chất của vụ việc
Trình tự thủ tục thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn
Bước 1: Người yêu cầu nộp hồ sơ khởi kiện về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con tại Tòa án nhân dân quận/huyện nơi bị đơn (người đang trực tiếp nuôi con) cư trú và làm việc.
Bước 2: Sau khi nhận đơn khởi kiện cũng hồ sơ hợp lệ, Tòa án sẽ ra thông báo nộp tạm ứng án phí.
Bước 3: Người yêu cầu nộp tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm tại Chi cục thi hành án quận/huyện và nộp lại biên lai tạm ứng án phí cho Tòa án.
Bước 4: Tòa án thụ lý vụ việc, tiến hành giải quyết thủ tục thay đổi người trực tiếp nuôi con và ra Bản án hoặc quyết định giải quyết vụ việc.
Như vậy, khi cho rằng người đang trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện tiếp tục trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con và mình có điều kiện để cho con phát triển tốt hơn thì bên không trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con.