Xin ly hôn giùm người thân
Ai đó có nói rằng với phụ nữ, việc lấy chồng giống như được sinh ra lần thứ hai trong cuộc đời, khi sinh ra chúng ta không được quyền chọn cha, chọn mẹ nhưng chúng ta nhận từ họ tình yêu thương vô điều kiện, còn việc lấy chồng là trao gửi tình yêu, niềm tin, mưu cầu hạnh phúc. Chỉ khi người phụ nữ gặp những bất hạnh, trắc trở trong đời sống hôn nhân, luật pháp mới được nhận thức và thực sự mang một ý nghĩa nào đó. Vậy nên, đa phần những bế tắc trong hôn nhân mà phải cầu cứu đến tòa án đều là những bế tắc khó có thể sẻ chia, khó có thể cứu vãn bởi không những mục đích hôn nhân không đạt được mà còn tổn hại đến nhiều vấn đề khác của con người. Khi đó việc tháo gỡ trở thành vấn đề đòi hỏi sự giải quyết thấu tình, đạt lý và cả tập quán lẫn pháp luật, cả văn hóa cá nhân lẫn quy tắc pháp đình.
Về quyền yêu cầu ly hôn thì trước đây Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 có quy định: “Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu tòa án giải quyết cho ly hôn”. Quy định này được hiểu chỉ vợ, chồng hoặc cả hai người mới có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn.
Tuy nhiên liên quan đến quy định về việc xin ly hôn giùm người thân, Luật Hôn nhân và gia đình mới năm 2014 đã được Quốc hội thông qua vào ngày 19/6/2014, thay thế hoàn toàn Luật HNGĐ năm 2000 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2015 có quy định tại Điều 51 “Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn”:
“Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.”.
Quy định này được hiểu là thay vì chỉ vợ, chồng hoặc cả hai người mới có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn như trước đây thì kể từ nay, cha, mẹ, người thân thích khác cũng có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ. Quy định này đã tháo gỡ cho nhiều trường hợp bức xúc đối với những người nhìn thấy cuộc hôn nhân của người thân mình đi vào bế tắc và không thể cứu vãn.
Vì vậy từ đầu năm 2015 các thành viên trong gia đình có quyền làm đơn yêu cầu ly hôn giùm cho người thân tuy nhiên, để thực hiện quyền này phải có 2 yêu cầu:
– Người vợ/chồng bị mất năng lực hành vi thì phải giám định về tâm thần và phải do tòa án ra quyết định tuyên bố.
– Người vợ/chồng là nạn nhân của bạo lực gia đình thì lại phải căn cứ vào tình hình hôn nhân thực tế, sự xác nhận của cơ quan có thẩm quyền và khả năng chứng minh hậu quả và sự đe dọa của bạo lực mà người đó đã phải chịu đựng.
Nói chung dù trong bất cứ hoàn cảnh nào việc xin ly hôn giùm người thân cũng là việc vô cùng bất đắc dĩ, đặc biệt đối với người bị mất năng lực hành vi nếu không thể sống yên ấm trong chính hôn nhân của mình thì là một mất mát vô cùng to lớn, việc ly hôn không chỉ mất đi sự chăm sóc tận tình thường ngày, hoặc thoát ra khỏi sự xa lánh, phụ bạc song cuộc sống sau đó cũng vô cùng khó khăn do sẽ phải phụ thuộc vào cuộc sống của nhiều người thân xung quanh mà vấn đề về phân chia tài sản khi ly hôn chắc chắn sẽ nắm về phần thiệt thòi do khả năng chứng minh của người vợ (chồng) đó.