Tài sản thừa kế trong quan hệ hôn nhân
Trong quan hệ hôn nhân, vợ hoặc chồng có quyền được hưởng tài sản thừa kế của bên còn lại hay không đó là câu hỏi nhiều người thắc mắc. Bài viết hôm nay chúng ta cùng nhau tìm hiểu quyền thừa kế tài sản giữa vợ và chồng được quy định như thế nào?
Mục lục
1. Tài sản thừa kế
Khi một trong hai bên vợ hoặc chồng chết thì sẽ phát sinh tranh chấp tài sản thừa kế. Tài sản thừa kế trong quan hệ hôn nhân được xác định bao gồm:
- Phần tài sản của người chết trong phần tài sản chung của hai vợ chồng. Theo quy định của Luật Hôn nhân gia đình thì tài sản chung bao gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân;
- Phần tài sản riêng của người chết bao gồm gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng.
Nếu người chết có để lại di chúc thì vợ hoặc chồng có thể thừa kế tài sản theo di chúc. Trong trường hợp không để lại di chúc thì sẽ tiến hành chia di sản thừa kế theo pháp luật.
Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.
Theo quy định tại Điều 663 Bộ luật dân sự 2005: “Vợ, chồng có thể lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung. Theo đó, Vợ, chồng có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc chung bất cứ lúc nào. Khi vợ hoặc chồng muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc chung thì phải được sự đồng ý của người kia; nếu một người đã chết thì người kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình”.
2. Quyền thừa kế trong quan hệ hôn nhân
Vợ, chồng có quyền thừa kế tài sản của nhau theo quy định của pháp luật về thừa kế. Khi vợ hoặc chồng chết hoặc bị Toà án tuyên bố là đã chết thì bên còn sống quản lý tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp trong di chúc có chỉ định người khác quản lý di sản hoặc những người thừa kế thoả thuận cử người khác quản lý di sản.
Khoản 3 Điều 66 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014:
“Trong trường hợp việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của vợ hoặc chồng còn sống, gia đình thì vợ, chồng còn sống có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế phân chia di sản theo quy định của Bộ luật dân sự.”
Tòa án có quyền xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng sẽ chưa chia di sản thừa kế trong một thời gian nhất định. Nếu hết thời hạn mà Tòa án quy định hoặc vợ, chồng kết hôn với người khác thì những người thừa kế có quyền yêu cầu Tòa án chia di sản thừa kế.
Vợ, chồng được hưởng thừa kế theo di chúc, nếu di chúc không đề cập đến vợ, chồng hoặc có đề cập đến vợ, chồng nhưng phần thừa kế ít hơn hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật thì sẽ được hưởng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật.
Vợ, chồng được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trừ khi vợ, chồng từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 642 hoặc là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 643 của Bộ luật dân sự.
3. Quyền thừa kế trong những trường hợp đặc biệt
Việc thừa kế trong trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung, đang xin ly hôn, đã kết hôn với người khác được quy định tại điều 680 Bộ luật dân sự cụ thể như sau:
– Trong trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung khi hôn nhân còn tồn tại mà sau đó một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản.
– Trong trường hợp vợ, chồng xin ly hôn mà chưa được hoặc đã được Toà án cho ly hôn bằng bản án hoặc quyết định chưa có hiệu lực pháp luật, nếu một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản.
– Người đang là vợ hoặc chồng của một người tại thời điểm người đó chết thì dù sau đó đã kết hôn với người khác vẫn được thừa kế di sản.