Thủ tục chuyển hộ khẩu theo chồng sẽ như thế nào?
Thủ tục chuyển hộ khẩu theo chồng là thủ tục hành chính bắt nguồn từ quan niệm của người dân Việt Nam “lấy chồng thì phải theo chồng”. Theo đó, sau khi tiến hành tổ chức hôn lễ hoàn tất, người vợ sẽ đến Cơ quan có thẩm quyền để tiến hành chuyển hộ khẩu theo địa chỉ của chồng. Vậy thủ tục này sẽ diễn ra như thế nào và cần phải chuẩn bị những gì?
Mục lục
Điều kiện để chuyển hộ khẩu theo chồng
Để chuyển hộ khẩu theo chồng, người vợ phải đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 20 Luật Cư trú 2020. Theo đó, công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý. Trong đó có trường hợp vợ về ở với chồng, chồng về ở với vợ (điểm a khoản 2 Điều 20).
Như vậy, nếu người vợ muốn chuyển hộ khẩu theo chồng, thì cần được sự đồng ý của những đối tượng trên. Đó là chủ hộ và chủ sở hữu căn nhà, có thể là bố mẹ hoặc chính người chồng của mình.
Hồ sơ đăng ký để chuyển hộ khẩu gồm những gì?
Trước khi tiến hành thủ tục chuyển hộ khẩu tại Cơ quan có thẩm quyền, người vợ cần phải chuẩn bị một số tài liệu trong hồ sơ được quy định tại Điều 21 Luật Cư trú 2020. Cụ thể bao gồm:
“Điều 21. Hồ sơ đăng ký thường trú
2. Hồ sơ đăng ký thường trú được quy định tại khoản 2 Điều 20 của Luật này bao gồm:
a) Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp hoặc người được ủy quyền, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;
b) Giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân với chủ hộ, thành viên hộ gia đình, trừ trường hợp đã có thông tin thể hiện quan hệ này trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú;
c) Giấy tờ, tài liệu chứng minh các điều kiện khác quy định tại điểm b, điểm c khoản 2 Điều 20 của Luật này”
Tuy nhiên, khi thay đổi nơi đăng ký chuyển hộ khẩu thường trú ở phạm vi ngoại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì cần phải đổi CMND theo điểm d khoản 1 Điều 5 Nghị định số 05/1999/NĐ – CP. Đối với người sử dụng CCCD thì khi chuyển sang tỉnh khác không bắt buộc đi đổi Căn cước công dân mới (khoản 1 Điều 23 Luật Căn cước công dân). Do đó, người đăng ký cần lưu ý vấn đề này để việc hoàn tất hồ sơ được diễn ra thuận lợi.
Thủ tục chuyển hộ khẩu theo chồng được thực hiện như thế nào?
Việc đăng ký chuyển hộ khẩu theo chồng được quy định cụ thể tại Điều 22 Luật Cư Trú 2020. Theo đó, để tiến hành thủ tục chuyển hộ khẩu cần phải trải qua các bước như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ
Sau khi chuẩn bị giấy xác nhận tình trạng hôn nhân và những tài liệu liên quan, người đăng ký chuyển hộ khẩu sẽ nộp hồ sơ đến cơ quan đăng ký cư trú nơi mình cư trú. Đó là công an xã, phường, thị trấn hoặc công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trung ương ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã.
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ
Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký thường trú, chuyển hộ khẩu về nhà chồng, cơ quan đăng ký cư trú sẽ tiến hành kiểm tra và cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người đăng ký. Về thẩm quyền cấp giấy chuyển hộ khẩu được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 8 Thông tư 35/2014/TT – BCA. Đối với trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người đăng ký bổ sung hồ sơ.
Bước 3: Thẩm định hồ sơ
Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký cư trú sẽ có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú. Đồng thời, thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú.
Trong trường hợp từ chối đăng ký thì cần phải nêu rõ lý do và phải trả lời bắt buộc bằng văn bản. Việc thực hiện này sẽ được tiến hành trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ.
Về lệ phí làm thủ tục nhập hộ khẩu sau khi kết hôn hiện nay do các địa phương tự quy định. Người đăng ký sẽ căn cứ vào thông báo để nộp lệ phí đầy đủ nhằm đảm bảo quy trình được diễn ra nhanh chóng, thuận lợi.