Điểm mới về tuổi kết hôn theo Luật HNGĐ 2014
Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 đã sửa đổi và khắc phục được những thiếu sót của Luật cũ, phù hợp với thực tiễn văn hóa – xã hội của Việt Nam. Một trong những sửa đổi mới về Luật hôn nhân gia đình đó là quy định về độ tuổi kết hôn của nam và nữ.
Người tâm thần có được kết hôn hay không?
Ly hôn và ý nghĩa ly hôn
Hôn nhân đồng giới ở Việt Nam
Tuổi kết hôn là tuổi mà một người được phép lấy chồng/vợ và tuổi kết hôn do pháp luật quy định. Độ tuổi và các yêu cầu khác nhau ở mỗi nước, nhìn chung thì độ tuổi kết hôn là 18 tuổi ở nhiều quốc gia, tuy nhiên nhiều nước cho phép độ tuổi kết hôn sớm hơn nếu có sự đồng ý của cha/mẹ hoặc luật pháp, hoặc trong trường hợp mang thai (nữ). Ở Việt Nam, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định điều kiện kết hôn: Nam từ đủ 20 tuổi và nữ từ đủ 18 tuổi (Điều 8 Luật HNGĐ 2014). Sự quy định này có lẽ bắt nguồn từ việc dựa trên cơ sở tâm sinh lý của người kết hôn. Ở lứa tuổi 16 đến chưa đủ 18, tâm sinh lý chưa trưởng thành, kỹ năng sống chưa có nhiều, chưa đủ điều kiện để thực hiện tốt vai trò người mẹ, người vợ. Từ đó, gia đình dễ nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Xét về mặt y học, phụ nữ dưới 18 tuổi chưa phát triển hết để có thể sinh con. Đặc biệt, nếu mang thai ở độ tuổi 16, tiên lượng số ca đẻ khó, tai biến sản khoa, số trường hợp mổ đẻ sẽ tăng… Như quy định luật cũ, việc kết hôn của nữ bước sang 18 tuổi được coi là hợp pháp, tuy nhiên pháp luật lại không quy định cụ thể họ có quyền tham gia tất cả các giao dịch liên quan đến tài sản trong hôn nhân. Vì thế, sau nhiều năm thi hành quy định này đã nảy sinh nhiều bất cập trong thực tiễn. Nữ bước sang tuổi 18 (tức sinh nhật lần thứ 17 tuổi một ngày) là đủ tuổi kết hôn, song theo pháp luật hiện hành, nhiều giao dịch (giao dịch về bất động sản, tín dụng…), đòi hỏi chủ thể giao dịch phải từ đủ 18 tuổi trở lên.
Trong hoạt động tố tụng dân sự, cá nhân phải đủ 18 tuổi trở lên mới có thể tự mình là chủ thể của quan hệ tố tụng. Luật Hôn nhân và gia đình cũng quy định nữ bước sang tuổi 17 một ngày được quyền tự do kết hôn và ly hôn. Tuy nhiên nếu người này ly hôn khi chưa đủ 18 tuổi thì quyền ly hôn, chia tài sản, chia quyền nuôi con bị vướng vì họ chưa có đủ năng lực hành vi dân sự, chưa được tự mình tham gia quan hệ tố tụng.
Về điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 (Luật cũ) nam từ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ mười tám tuổi trở lên là đủ tuổi kết hôn. Theo quy định này thì nam đã bước sang tuổi hai mươi, nữ đã bước sang tuổi mười tám mà kết hôn là không vi phạm điều kiện về tuổi kết hôn. Tuy nhiên, với quy định điều kiện kết hôn theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 (Luật hiện hành), thì độ tuổi kết hôn của nam và nữ sẽ được nâng lên và được tính theo tuổi tròn, bắt buộc nam phải từ đủ hai mươi tuổi trở lên, nữ phải từ đủ mười tám tuổi trở lên mới được kết hôn. Tuổi tròn tức là tròn ngày, tròn tháng, tròn năm. Ví dụ: Nam sinh ngày mồng 01 tháng 07 năm 1995 thì đến ngày 01 tháng 07 năm 2015 lúc này là đủ 20 tuổi.
Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn. Do đó, tuổi kết hôn là một trong số những điều kiện quan trọng trong việc nhà nước thừa nhận nam, nữ xác lập quan hệ vợ chồng.