Thẩm quyền đăng ký việc nuôi con nuôi
Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ – con một cách lâu dài, bền vững hướng tới bảo vệ tốt nhất lợi ích của người được nhận nuôi, bảo đảm cho con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tốt nhất. Mục đích của việc nuôi con nuôi thể hiện tính nhân văn sâu sắc.
Xem thêm:
>> Hòa giải trong ly hôn
>> Cách viết đơn ly hôn
>> Bạo lực gia đình
Quan hệ cha, mẹ – con trong trường hợp này được xác lập trên cơ sở nuôi dưỡng và phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì mới được pháp luật công nhận, bảo hộ. Điều này là cần thiết và pháp luật Việt Nam cũng đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thực hiện thủ tục đăng ký bằng việc phân định thẩm quyền tại Điều 9 của Luật Nuôi con nuôi 2010 và được cụ thể hóa trong Nghị định 19/2011/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật nuôi con nuôi 2010. Theo đó, thẩm quyền đăng ký sẽ tùy thuộc vào người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi là công dân Việt Nam hay người nước ngoài và nơi cư trú của họ.
Nuôi con nuôi trong nước được hiểu là việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với nhau thường trú ở Việt Nam. Đối với trường hợp này thì thẩm quyền thuộc về Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã), nơi thường trú của người được nhận làm con nuôi thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi. Trường hợp cha dượng hoặc mẹ kế nhận con riêng của vợ hoặc chồng làm con nuôi; cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi hoặc có sự thỏa thuận giữa người nhận con nuôi với cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ của trẻ em được nhận làm con nuôi thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của người nhận con nuôi thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi. Đối với trẻ em bị bỏ rơi được nhận làm con nuôi mà trước đó chưa vào cơ sở nuôi dưỡng, thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi lập biên bản xác nhận tình trạng trẻ em bị bỏ rơi thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi; nếu trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có trụ sở của cơ sở nuôi dưỡng thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi.
Nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài được hiểu là việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam, giữa công dân Việt Nam với nhau mà một bên định cư ở nước ngoài. Khác với nuôi con nuôi trong nước, thẩm quyền trong trường hợp này thuộc về Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), nơi thường trú của người được nhận làm con nuôi quyết định cho người đó làm con nuôi. Trường hợp trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng được nhận nuôi thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nơi có trụ sở của cơ sở nuôi dưỡng trẻ em quyết định cho trẻ em đó làm con nuôi. Việc đăng ký sẽ do Sở Tư pháp thực hiện sau khi có quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Đối với việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với nhau tạm trú ở nước ngoài, thì Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nơi tạm trú của người được nhận làm con nuôi hoặc của người nhận con nuôi thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi. Khi cả hai bên tạm trú ở nước không có Cơ quan đại diện, pháp luật tạo điều kiện thuận lợi nhất cho họ bằng việc cho phép nộp hồ sơ tại Cơ quan đại diện mà họ cho là thuận tiện nhất.
Như vậy, tùy vào từng trường hợp cụ thể mà thẩm quyền có sự khác biệt và do đó, chủ thể có nhu cầu đăng ký nuôi con nuôi cần hiểu rõ để tránh trường hợp bị từ chối hồ sơ đăng ký vì lý do cơ quan nhà nước không có thẩm quyền