Quyền thừa kế của con riêng đối với di sản của mẹ kế, bố dượng
Mẹ kế với con riêng của chồng, bố dượng với con riêng của vợ về bản chất không phải là mối quan hệ huyết thống. Tuy nhiên, giữa họ trên thực tế vẫn phát sinh quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng không khác gì quan hệ ruột thịt. Trên cơ sở duy trì và phát huy những mối quan hệ thiêng liêng đó, pháp luật dân sự đã đặt ra những quy định nhằm cho phép mẹ kế, bố dượng với con riêng cũng có thể có quyền thừa kế của nhau như quan hệ ruột thịt.
Di chúc miệng như thế nào là hợp pháp
Bao nhiêu tuổi thì có thể lập di chúc
Kinh doanh trái phép là gì?
Cụ thể, Điều 654 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định: “Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như bố con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 652 và Điều 653 của Bộ luật này.”
Từ quy định trên, có thể thấy rằng quyền thừa kế giữa những đối tượng này không đương nhiên phát sinh, mà chỉ phát sinh nếu có căn cứ chứng minh được có mối quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng.
Vậy, làm cách nào để chứng minh quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng giữa bố dượng, mẹ kế với con riêng?
Pháp luật chưa có quy định cụ thể về vấn đề quyền thừa kế này. Tuy nhiên, tham khảo quy định tại Điều 79 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 cho thấy rằng, pháp luật đặt ra cho bố dượng, mẹ kế với con riêng những quyền và nghĩa vụ như của bố mẹ ruột và con ruột. Đây có thể là những căn cứ để xem xét điều kiện được thừa kế của những đối tượng này. Một số căn cứ có thể liệt kê ra, như:
+ Bố dượng, mẹ kế thương yêu, chăm lo việc học tập, giáo dục của con riêng, tôn trọng ý kiến của con riêng;
+ Bố dượng, mẹ kế trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc con riêng chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
+ Con riêng yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng bố dượng, mẹ kế;
+ Con riêng có sự quan tâm, chăm sóc, nuôi dưỡng bố dượng, mẹ kế, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật.
Chứng minh được sự quan tâm, chăm sóc, nuôi dưỡng, con riêng có thể được nhận thừa kế di sản của bố dượng, mẹ kế và ngược lại. Trong trường hợp thừa kế theo pháp luật, họ thuộc hàng thừa kế thứ nhất của nhau, cũng giống như cha mẹ đẻ, con đẻ, cha mẹ nuôi, con nuôi.
Ngoài ra còn được thừa kế thế vị nếu con riêng của bố dượng, mẹ kế chết trước hoặc cùng một thời điểm với bố dượng, mẹ kế thì cháu có quyền thừa kế được hưởng phần di sản mà lẽ ra con riêng được hưởng, nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với bố dượng, mẹ kế thì chắt được hưởng phần di sản đó.
Quyền thừa kế của con riêng được xem là một trong những quy định mang tính nhân văn của pháp luật, nhằm tạo cơ sở cho những mối quan hệ dù không phải ruột thịt gắn kết với nhau bởi những quyền lợi và nghĩa vụ như quan hệ ruột thịt. Từ đó, tăng cường các sự đoàn kết, yêu thương lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình.