Thừa kế theo pháp luật là hoạt động thừa kế như thế nào?
Khi nhắc đến thừa kế đại đa số mọi người sẽ nghĩ đến thừa kế qua di chúc. Tuy nhiên, hoạt động thừa kế còn được thực hiện theo phương thức thừa kế theo pháp luật. Đây cũng là một trong các phương thức phân chia thừa kế phổ biến được áp dụng trong đời sống xã hội hiện tại. Để có thể nắm rõ những quy định pháp lý hiện hành đối với việc thừa kế theo quy định pháp luật, bạn có thể tham khảo ngay trong nội dung bài viết dưới đây.
Mục lục
Thừa kế theo pháp luật là gì?
Được định nghĩa cụ thể tại Điều 649 Bộ Luật Dân sự 2015: “Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.”
Thừa kế là quyền hợp pháp của mỗi cá nhân được pháp luật tôn trọng và bảo hộ. Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Người nhận thừa kế ngoài quyền lợi còn phải đảm bảo các nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại.
Trường hợp nào áp dụng thừa kế theo pháp luật
Hoạt động thừa kế vẫn được ưu tiên thực hiện theo di chúc. Tuy nhiên, đối với những trường hợp dưới đây sẽ được áp dụng thừa kế theo quy định pháp luật:
- Không có di chúc
- Di chúc không hợp pháp
- Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế
- Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Ngoài ra, quy định về thừa kế theo pháp luật cũng sẽ được áp dụng đối với các phần di sản quy định tại khoản 2 Điều 650 Bộ Luật Dân sự 2015:
“a) Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
b) Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
c) Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.”
Thứ tự thừa kế theo pháp luật
Thừa kế theo quy định pháp luật dựa trên mối quan hệ nhân thân, hôn nhân và quan hệ nuôi dưỡng của người để lại di sản. Cụ thể, những người thừa kế sẽ được hưởng di sản theo thứ tự hàng thừa kế. Khoản 1 Điều 651 Bộ Luật Dân sự 2015 có hướng dẫn chi tiết về các hàng thừa kế như sau:
“Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.”
Những người thừa kế ở hàng sau chỉ được hưởng di sản thừa kế nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước (đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản).