Thừa kế thế vị theo quy định pháp luật
Thừa kế là việc chuyển giao tài sản, các quyền và nghĩa vụ từ một người đã chết sang một cá nhân còn sống nào đó. Trên thực tế, có những trường hợp người được hưởng thừa kế không còn sống vào thời điểm mở thừa kế. Khi đó pháp luật cho phép con của người thừa kế được hưởng phần di sản mà lẽ ra bố mẹ họ sẽ được hưởng theo pháp luật nếu còn sống. Chế định này gọi là thừa kế thế vị.
Thừa kế của con ngoài giá thú
Thủ tục ly hôn vắng mặt
Con nuôi có được hưởng thừa kế không
Điều 652 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.”
Quy định này được hiểu là, trong thừa kế theo pháp luật, nếu bố hoặc mẹ (ông hoặc bà) chết trước hoặc chết cùng lúc với ông hoặc bà (cụ ông hoặc cụ bà) thì con (cháu) được thay vào vị trí của bố hoặc mẹ (ông hoặc bà) để được hưởng di sản của ông, bà (cụ ông hoặc cụ bà).
Thừa kế thế vị được áp dụng khi thỏa mãn những điều kiện sau:
- Những người thừa kế thế vị phải là người ở đời sau của người được hưởng thừa kế. Nghĩa là chỉ có con được thế vị cha mẹ mà không bao giờ có trường hợp cha, mẹ thế vị cho con.
- Thừa kế thế vị chỉ được đặt ra khi người được hưởng thừa kế chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản.
- Cháu, chắt của người để lại di sản phải còn sống hoặc chưa ra đời nhưng đã thành thai vào thời điểm ông hoặc bà (cụ ông hoặc cụ bà) chết mới được áp dụng thừa kế thế vị. Bởi lẽ, thừa kế là việc dịch chuyển tài sản của những người đã chết sang cho những người còn sống.
Lưu ý rằng, thừa kế thế vị chỉ được áp dụng trong thừa kế theo pháp luật với các trường hợp như quy định tại Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015.
Thừa kế thế vị được pháp luật đặt ra như một biện pháp nhằm bảo vệ quyền lợi cho những người thân thuộc nhất của người để lại di sản một cách trực tiếp. Quy đinh này là phù hợp với đạo lý và thực tiễn nước ta từ xưa đến nay.