Con nuôi có được hưởng thừa kế không?
Hiện nay, việc nuôi con nuôi đang ngày càng phổ biến và pháp luật nước ta cũng có những quy định liên quan tới vấn đề này trong Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, Luật Nuôi con nuôi 2010, Bộ luật dân sự 2015 và các văn bản hướng dẫn. Liên quan tới con nuôi, nhiều người còn thắc mắc: “Con nuôi có được hưởng thừa kế không?”. Và câu trả lời ở đây là có.
Live stream phim chiếu rạp có thể bị xử phạt
Kháng cáo quyết định ly hôn tại tòa án
Các vẫn đề cần quan tâm khi tạm ngừng kinh doanh
Về thừa kế, pháp luật Việt Nam không phân biệt con nuôi hay con ruột nên con nuôi vẫn có quyền hưởng thừa kế như con ruột. Cụ thể, theo quy định tại Điều 651 BLDS 2015 ghi rõ: “Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”. Điều 653 BLDS 2015 quy định: “Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 651 và Điều 652 của Bộ luật này”. Từ hai điều luật trên, ta có thể khẳng định, con nuôi cũng có quyền hưởng thừa kế, không chỉ thừa kế theo di chúc mà còn là người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bố mẹ nuôi.
Tuy nhiên, để được công nhận là con nuôi theo quy định của pháp luật thì việc nhận con nuôi phải được thực hiện đúng theo quy trình, yêu cầu của Luật Nuôi con nuôi và một số văn bản pháp luật khác liên quan. Để xác lập quan hệ cha mẹ nuôi, con nuôi, bên nhận nuôi phải tuân theo thứ tự ưu tiên lựa chọn gia đình thay thế, nghĩa là việc nhận con nuôi chỉ được xem xét sau khi người được nhận làm con nuôi không được cha dượng, mẹ kế, cô, cậu, dì, chú bác ruột nhận làm con nuôi. Điều này bảo đảm cho nguyên tắc tôn trọng quyền của trẻ em là được ưu tiên sống trong môi trường gia đình gốc.
Ngoài ra, Điều 14 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định người nhận con nuôi phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện là có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hơn con nuôi 20 tuổi trở lên, có sức khỏe, có tư cách đạo đức tốt, có điều kiện kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi. Người đang chấp hành hình phạt tù, bị hạn chế một số quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên, người chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác, thì không được nhận con nuôi. Pháp luật cũng cấm việc ông, bà nhận cháu làm con nuôi hoặc anh, chị, em nhận nhau làm con nuôi.
Theo khoản 1 Điều 23 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi 2010, quan hệ giữa cha mẹ nuôi, con nuôi chỉ được xác lập khi:
- Tại thời điểm nhận nuôi con nuôi, việc nuôi con nuôi được đăng ký tại UBND xã, phường, thị trấn nơi thường trú của cha mẹ nuôi hoặc con nuôi;
- Nếu việc nuôi con nuôi đã phát sinh trên thực tế mà chưa đăng ký trước ngày 1/1/2011, nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật Nuôi con nuôi 2010 thì được đăng ký kể từ ngày 1/1/2011 đến hết ngày 31/12/2015 tại UBND cấp xã nơi thường trú của cha mẹ nuôi và con nuôi.
“Khoản 1 Điều 50 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định điều kiện gồm:
- a) Các bên có đủ điều kiện về nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật tại thời điểm phát sinh quan hệ nuôi con nuôi;
- b) Đến thời điểm Luật này có hiệu lực, quan hệ cha, mẹ và con vẫn đang tồn tại và cả hai bên còn sống;
- c) Giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục nhau như cha mẹ và con.”
Như vậy, nếu quan hệ cha mẹ nuôi, con nuôi đã được pháp luật công nhận thì con nuôi ngoài được hưởng thừa kế theo di chúc nếu bố mẹ nuôi nêu đích danh con nuôi trong di chúc thì con nuôi cũng được hưởng thừa kế của cha mẹ nuôi giống như con đẻ của họ, cùng thuộc hàng thừa kế thứ nhất.