Thừa kế của con ngoài giá thú
Con ngoài giá thú là đứa con được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân không hợp pháp. Về vấn đề thừa kế, pháp luật Việt nam không phân biệt con ngoài giá thú và con trong giá thú, vậy việc thừa kế của con ngoài giá thú sẽ được giải quyết như thế nào?
Thủ tục ly hôn vắng mặt
Con nuôi có được hưởng thừa kế không?
Live stream phim chiếu rạp có thể bị xử phạt
Con ngoài giá thú có thể có hai trường hợp: trường hợp 1, trên giấy khai sinh vẫn có đầy đủ cả họ tên cha, họ tên mẹ mặc dù giữa họ không tồn tại quan hệ hôn nhân hợp pháp và trường hợp 2 trên giấy khai sinh chỉ có họ tên mẹ hoặc họ tên cha. Việc thừa kế di sản trong hai trường hợp này cũng có sự khác nhau.
Đối với trường hợp 1, trên giấy khai sinh của người này có đầy đủ họ tên cha và họ tên mẹ dù thực tế giữa người cha và người mẹ này không tồn tại quan hệ hôn nhân hợp pháp. Trường hợp này rất dễ để giải quyết, bởi về mặt pháp lý, đứa con này đã là con của bố mẹ nên đương nhiên nó được hưởng thừa kế, không chỉ thừa kế theo di chúc mà còn là người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bố mẹ theo điểm a khoản 1 Điều 651 BLDS 2015.
Còn trường hợp 2, trên giấy khai sinh chỉ có họ tên mẹ hoặc họ tên cha thì theo khoản 1 Điều 90 Luật HNGĐ 2014 quy định: “Con có quyền nhận cha, mẹ của mình, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết.” Theo như quy định trên thì ngay cả trường hợp cha (mẹ) đã chết thì con vẫn có quyền nhận cha (mẹ). Và khi đã làm thủ tục nhận cha (mẹ) thì quyền thừa kế của con ngoài giá thú cũng giống như con trong giá thú. Tuy nhiên, về việc giải quyết đăng ký nhận cha (mẹ) cho con theo thủ tục đăng ký và quản lý hộ tịch chỉ được thực hiện nếu không có tranh chấp liên quan đến việc nhận cha (mẹ).
Về hồ sơ và thủ tục đăng ký nhận cha được quy định cụ thể tại Điều 19 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch. Nếu có tranh chấp phát sinh trong việc nhận cha (mẹ) thì cần làm đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người đang có tranh chấp cư trú. Đơn khởi kiện cần các nội dung chính quy định tại khoản 4 Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Trong trường hợp, con ngoài giá thú chưa thành niên hoặc đã thành niên mà không có khả năng lao động mà trong di chúc, người cha không chia di sản cho đứa con này thì theo đứa con này vẫn có quyền hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều 644 BLDS 2015.
Tóm lại, pháp luật Việt Nam không phân biệt con trong giá thú và con ngoài giá thú vì vậy quyền thừa kế của con ngoài giá thú cũng giống như con trong gia thú, tức là ngoài được hưởng thừa kế theo di chúc nếu trong di chúc nêu đích danh thì con ngoài giá thú cũng thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bố mẹ.