Cách chia thừa kế theo quy định pháp luật
Có thể hiểu, thừa kế là việc chuyển dịch tài sản của người đã mất cho người còn sống, tài sản để lại sẽ được gọi là di sản. Việc chuyển giao tài sản được xác định với 02 hình thức thừa kế đó là theo di chúc và theo pháp luật. Thừa kế theo pháp luật chỉ được áp dụng khi không có di chúc để lại, di chúc vô hiệu hoặc dựa trên yêu cầu của những người có quyền hưởng di sản. Vậy cách chia thừa kế sẽ như thế nào?
Mục lục
1. Nguyên tắc cách chia thừa kế theo pháp luật
Để thực hiện cách chia thừa kế theo pháp luật một cách hiệu quả, nhằm đem lại lợi ích chung thì việc áp dụng các nguyên tắc là điều cần thiết, cụ thể:
1.1. Nguyên tắc bình đẳng quyền công dân
Bình đẳng trong thừa kế của cá nhân thể hiện rõ nét nhất ở việc các chủ thể trong cùng một hàng thừa kế, tuy có đặc điểm khác nhau nhưng vẫn được hưởng phần di sản thừa kế bằng nhau. Đồng thời tại khoản 2 của Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 cũng khẳng định “Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau”. Do đó, dù trên tư cách khác nhau, có thể là vợ, chồng hoặc cha nuôi, mẹ nuôi,… nhưng khi đứng cùng hàng thừa kế thì phần di sản họ hưởng đều ngang bằng nhau.
1.2. Nguyên tắc tôn trọng quyền của người hưởng thừa kế
Theo tinh thần của pháp luật dân sự, quyền tự quyết, sự tự do ý chí của các chủ thể sẽ được đề cao. Do đó, trong trường hợp người được hưởng thừa kế không muốn nhận di sản thì hoàn toàn có quyền từ chối trừ trường hợp có căn cứ cho rằng việc từ chối nhận di sản là để trốn tránh nghĩa vụ tài sản với người khác.
1.3. Nguyên tắc bảo đảm quyền lợi của một số người thừa kế theo quy định pháp luật
Với nguyên tắc này, pháp luật cho phép những người thuộc một số trường hợp vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật. Điều này chỉ áp dụng trong trường hợp đối tượng đó không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó. Cụ thể bao gồm:
- Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng.
- Con thành niên mà không có khả năng lao động.
2. Cách chia thừa kế theo pháp luật
Để tránh rắc rối từ việc tranh chấp tài sản thừa kế là vấn đề phức tạp. Do đó, người đủ điều kiện thừa kế theo luật định có thể tham khảo cách chia thừa kế như sau:
2.1. Xác định thời hiệu chia thừa kế
Theo quy định tại Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015, thời hiệu chia thừa kế được xác định cụ thể như sau:
“Điều 623. Thời hiệu thừa kế
1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:
a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;
b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.
2. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
3. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.”
2.2. Xác định di sản thừa kế
Căn cứ theo Điều 612 Bộ luật Dân sự 2015, di sản thừa kế sẽ bao gồm “ tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác”. Theo đó, di sản thừa kế sẽ có:
- Các tài sản thuộc quyền sở hữu riêng của người để thừa kế, gồm có các loại tài sản như: thu nhập hợp pháp, nhà ở, các quyền tài sản được hưởng theo quan hệ hợp đồng, bồi thường,…
- Các tài sản thuộc sở hữu chung với người khác: Điển hình là dạng tài sản chung của vợ chồng. Do đó, trước khi chia cần xác định khối tài sản đó có bao gồm tài sản riêng của người vợ (chồng) không để việc phân chia được hợp pháp.
2.3. Xác định nghĩa vụ tài sản từ người chết để lại
Thông thường, nghĩa vụ tài sản từ người chết để lại sẽ phát sinh một số vấn đề như quan hệ hợp đồng, quyết định của cơ quan có thẩm quyền, chi phí tiến hành ma chay, mai táng,… Do đó, người được hưởng di sản cần thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại với thứ tự ưu tiên thanh toán nghĩa vụ được quy định tại Điều 658 Bộ luật Dân sự 2015.
2.4. Phân chia di sản
Việc phân chia di sản theo pháp luật sẽ được tiến hành theo cách chia thừa kế tuần tự như sau:
- Xác định người thừa kế theo pháp luật của từng hàng thừa kế theo Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, có 03 hàng thừa kế cụ thể. Những người trong cùng hàng thừa kế đều được hưởng di sản ngang nhau. Thứ tự ưu tiên được chia di sản lần lượt từ hàng thừa kế thứ nhất, thứ hai và cuối cùng là hàng thứ ba. Những người thuộc hàng thừa kế tiếp theo chỉ được xác định khi không còn ai thuộc hàng thừa kế trước đó nhận di sản.
- Xác định những người thừa kế. Sau khi xác định được danh sách những người thừa kế trong hàng thừa kế đã nêu trên, cần xem xét những người được nhận thừa kế có phải là đối tượng không được hưởng di sản hay không. Cụ thể những người không có quyền được hưởng di sản sẽ căn cứ theo Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015.
- Tiến hành chia di sản thừa kế. Về nguyên tắc, di sản sẽ được chia đều. Tuy nhiên, trong quá trình chia, những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia bằng hiện vật. Điều này hoàn toàn do các bên tự thỏa thuận.