Chưa ly hôn nhưng có con với người khác bị xử phạt thế nào?
Trong thời kỳ hôn nhân, khi các bên vợ hoặc chồng đã hết tình cảm, việc ngoại tình, thậm chí có con chung với người khác sẽ nhiều khả năng xảy ra. Tuy nhiên, hành vi này vi phạm điều cấm trong Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 và mục đích hướng đến của hôn nhân là tự nguyện, tiến bộ và bình đẳng. Vì vậy, trong trường hợp chưa ly hôn nhưng có con với người khác sẽ bị xử phạt như thế nào?
Mục lục
Ly hôn được hiểu như thế nào?
Theo khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, ly hôn được định nghĩa là “ việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.”
Như vậy, Tòa án là cơ quan duy nhất có thẩm quyền ra phán quyết chấm dứt quan hệ hôn nhân của vợ chồng. Phán quyết được thể hiện dưới 02 hình thức là bản án hoặc quyết định, cụ thể như sau:
- Trường hợp 01: Khi hai vợ chồng thuận tình ly hôn, đã thoả thuận và giải quyết được tất cả các vấn đề về con cái, tài sản,… thì Tòa sẽ công nhận, ra phán quyết dưới hình thức quyết định.
- Trường hợp 02: Nếu vợ chồng có mâu thuẫn, tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, tài sản,… thì Tòa án ra phán quyết dưới hình thức bản án ly hôn.
Chưa ly hôn nhưng có con chung với người khác có vi phạm pháp luật không?
Có con với người khác khi chưa ly hôn là một trong những hành vi bị pháp luật cấm, được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014:
“Điều 5. Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình
2. Cấm các hành vi sau đây:
c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ.”
Như vậy, nếu vợ hoặc chồng thực hiện hành vi trên sẽ thuộc trường hợp vi phạm điều cấm của Luật hôn nhân và Gia đình. Vì thế, tùy theo từng mức độ, việc xử phạt sẽ được quy định khác nhau.
Chưa ly hôn nhưng có con với người khác sẽ bị xử phạt như thế nào?
Hiện nay, việc sống chung như vợ chồng với người đã có gia đình hoặc đang có vợ, có chồng mà sống chung như vợ chồng với người khác là phạm luật và sẽ bị xử phạt. Tuy nhiên, với nếu dẫn đến hệ quả có con chung, thì pháp luật vẫn chưa có chế tài xử phạt cụ thể.
Đồng thời, việc chưa ly hôn mà đã có con nhưng không sống chung người đó rất khó để xử lý. Còn đối với trường hợp có con với người khác khi chưa ly hôn và đang sống cùng với họ như vợ chồng thì sẽ bị xử phạt như sau:
Thứ nhất: Xử phạt vi phạm hành chính
Với mức độ nhẹ nhất, hành vi sống chung với người đã có gia đình có thể bị xử phạt hành chính. Theo khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ – CP, hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng được quy định như sau:
“Điều 59. Hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ.”
Như vậy, đối với hành vi sống chung với người khác khi đã có gia đình được quy định tại điểm a, b, c khoản 1 của Điều luật này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Mức phạt tiền sẽ từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Thứ hai: Truy cứu trách nhiệm hình sự
Ở mức độ nghiêm trọng hơn, việc vi phạm chế độ một vợ, một chồng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể được quy định tại Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015 như sau:
“Điều 182. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng
1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;
b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó”.
Do đó, có thể thấy, trong khung hình phạt của tội danh có con với người khác khi chưa ly hôn, mức án nhẹ nhất sẽ là phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm. Với mức độ có tính chất nghiêm trọng hơn, khung hình ảnh phạt cao nhất sẽ lên đến 03 năm.