Đình công như thế nào cho đúng luật
Chính Phủ vừa mới ban hành Nghị định 95/2013 ngày 22/8/2013 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc nước ngoài theo Hợp đồng. Nghị định này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 10/10/2013. Nội dung của Nghị định 95/2013 quy định khá nhiều về các hành vi vi phạm cụ thể trong lĩnh vực lao động và các hình thức xử phạt. Trong số đó, có một vấn đề đang rất được quan tâm hiện nay là vi phạm quy định về giải quyết tranh chấp lao động, mà cụ thể là đình công trái pháp luật.
Dịch vụ đăng ký sáng chế – giải pháp hữu ích tại Việt Nam và Quốc tế
Mua nhà dưới hình thức góp vốn đầu tư – kỳ 2
Những điều người lao động nên biết về bảo hiểm xã hội
Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2012, người lao động được phép đình công để giải quyết những tranh chấp lao động tập thể với người sử dụng lao động theo những nguyên tắc, cách thức do luật định. Tuy nhiên, thực hiện đình công như thế nào cho đúng quy định pháp luật lại không hề dễ dàng. Theo số liệu thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, từ năm 1995 đến hết năm 2012, cả nước đã xảy ra 4.922 cuộc ngừng việc tập thể, đình công. Riêng năm 2011, cả nước có 987 cuộc đình công, nhiều nhất trong những năm gần đây, còn riêng 6 tháng đầu năm 2012 đã có 331 cuộc. Trong số đó, có hơn 95% số cuộc đình công không đúng quy định của pháp luật. Vậy thì thế nào là đình công đúng pháp luật.
Một cuộc đình công hợp pháp trước hết phải xuất phát từ tranh chấp lao động tập thể về lợi ích, nghĩa là những “tranh chấp lao động phát sinh từ việc tập thể lao động yêu cầu xác lập các điều kiện lao động mới so với quy định của pháp luật về lao động, thoả ước lao động tập thể, nội quy lao động hoặc các quy chế, thoả thuận hợp pháp khác trong quá trình thương lượng giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động” (khoản 9 Điều 3 BLLĐ 2012). Thời hạn để tiến hành các thủ tục đình công theo khoản 3, điều 206 BLLĐ 2012 là sau 05 ngày kể từ ngày Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hòa giải thành mà một trong các bên không thực hiện thỏa thuận đã đạt được hoặc sau 03 ngày kể từ ngày Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hòa giải không thành. Để đình công, tổ chức công đoàn phải tiến hành thủ tục lấy ý kiến tập thể lao động. Khi có trên 50% số người được lấy ý kiến đồng ý, Ban chấp hành công đoàn sẽ ra quyết định đình công và gửi quyết định cho người sử dụng lao động ít nhất 05 ngày trước ngày bắt đầu đình công. Nếu đến thời điểm bắt đầu đình công, người sử dụng lao động vẫn không chấp nhận giải quyết yêu cầu của tập thể lao động thì cuộc đình công được tiến hành. Bên cạnh đó, người lao động cũng cần phải lưu ý đến các hành vi bị cấm trước, trong và sau khi đình công theo Điều 219 BLLĐ 2013, bao gồm:
– Cản trở việc thực hiện quyền đình công hoặc kích động, lôi kéo, ép buộc người lao động đình công; cản trở người lao động không tham gia đình công đi làm việc;
– Dùng bạo lực; hủy hoại máy, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động;
– Xâm phạm trật tự, an toàn công cộng;
– Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động, người lãnh đạo đình công hoặc điều động người lao động, người lãnh đạo đình công sang làm công việc khác, đi làm việc ở nơi khác vì lý do chuẩn bị đình công hoặc tham gia đình công;
– Trù dập, trả thù người lao động tham gia đình công, người lãnh đạo đình công;
– Lợi dụng đình công để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khác.
Liên hệ với Nghị định 95/2013, đây cũng là những hành vi vi phạm được liệt kê và phải chịu các mức xử phạt khác nhau. Đối với 3 nhóm hành vi đầu tiên, người lao động sẽ bị phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng tùy vào mức độ. Còn đối với 3 nhóm hành vi còn lại, người sử dụng lao động sẽ bị phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Thiết nghĩ, người lao động một khi phải đình công nghĩa là người lao động đã thật sự rơi vào tình trạng yếu thế, không còn biện pháp nào khác để giải quyết những tranh chấp lao động. Mục đích chủ yếu là để đòi hỏi những quyền lợi tốt hơn mà người lao động cho là chính đáng. Do vậy, để đạt được mục đích, người lao động cần phải cân nhắc thật kỹ và phải lưu ý các quy định về đình công để đảm bảo đình công đúng quy định pháp luật. Tránh trường hợp đình công bất hợp pháp không những quyền lợi không đạt được mà người lao động còn bị phạt một khoản tiền thì rất đáng tiếc.