Những điều người lao động nên biết về bảo hiểm xã hội
Các tranh chấp về Bảo hiểm xã hội (BHXH) giữa người sử dụng lao động và người lao động ở nước ta ngày càng gia tăng. Một mặt, người lao động không hiểu biết pháp luật nên không có yêu cầu, mặt khác người sử dụng lao động không tìm hiểu quy định pháp luật hiện hành nên không thực hiện đúng. Đến khi có tranh chấp phát sinh mới ngỡ ngàng trước hành vi vi phạm của mình mà chính bản thân họ không hề hay biết. Bên cạnh đó, những trường hợp biết mà không thực hiện hay tìm cách lách để không thực hiện nghĩa vụ đối với người lao động hiện này cũng khá phổ biến.
Điều kiện, thủ tục kết hôn với người nước ngoài
Dịch vụ khai nhận, từ chối, phân chia di sản thừa kế
Mua nhà dưới hình thức góp vốn đầu tư – Kỳ 1
Đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đã được quy định cụ thể tại Điều 2, Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2006, hướng dẫn chi tiết tại Điều 2 và Điều 3, Nghị định 152/2006/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc. Theo quy định này, không chỉ người lao động làm việc trong cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, hợp tác xã từ đủ ba tháng trở lên phải tham gia BHXH bắt buộc mà người lao động làm việc cho hộ kinh doanh cá thể, tổ chức hay cá nhân có thuê mướn, sử dụng và trả công cho người lao động từ đủ ba tháng trở lên cũng thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc.
Trước khi giao kết hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có nghĩa vụ cung cấp thông tin cho người lao động về việc tham gia BHXH, BHYT bắt buộc theo quy định tại Điều 19, Bộ luật lao động năm 2012 (BLLĐ). Nội dung hợp đồng lao động phải thể hiện việc trích đóng BHXH cụ thể của người lao động và người sử dụng lao động. Theo Điều 42, NĐ 152/2006/NĐ-CP, từ tháng 01 năm 2014 trở đi, người lao động phải trích đóng BHXH với mức 8% dựa trên mức tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH. Tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH bắt buộc quy định tại Điều 94 Luật BHXH 2006 và hướng dẫn chi tiết tại Điều 45 NĐ 152/2006/NĐ-CP, theo đó “1. Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức tiền lương theo ngạch, bậc và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có). Tiền lương này được tính trên cơ sở mức lương tối thiểu chung tại thời điểm đóng. 2. Người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động . 3. Trường hợp mức tiền lương, tiền công tháng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này cao hơn 20 tháng lương tối thiểu chung thì mức tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội bằng 20 tháng mức lương tối thiểu chung.”
Trong trường hợp người lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc được hưởng chế độ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp theo quy định Luật Bảo hiểm xã hội mà người sử dụng lao động chưa đóng BHXH cho cơ quan BHXH thì người lao động có quyền yêu cầu người sử dụng lao động chi trả khoản tiền tương ứng với chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định. Việc chi trả này có thể thực hiện một lần hoặc nhiều lần do sự thỏa thuận của các bên (Điều 145, BLLĐ 2012). Tai nạn lao động được hưởng chế độ BHXH là “tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động”. Do đó, các tai nạn không được mô tả như trên thì không được hưởng chế độ BHXH. Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động. Những căn bệnh không phát sinh từ nguyên nhân khác cũng không được xem xét để hưởng chế độ BHXH theo quy định hiện hành.
Về chế độ thai sản, lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. Trong thời gian nghỉ thai sản, người lao động nữ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về BHXH, cụ thể mức hưởng bằng 100% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội của sáu tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Thời gian này người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội (Điều 157 BLLĐ và Điều 35 Luật BHXH).
Khi chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động. Việc các doanh nghiệp giữ sổ BHXH để gây khó dễ với người lao động khi nghỉ việc hiện nay là vi phạm quy định tại Khoản 3, Điều 47 BLLĐ. Do đó, người lao động có quyền khiếu nại đến cơ quan quản lý lao động để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Trước khi giao kết hợp đồng lao động, người lao động nên tìm hiểu các quy định pháp luật về BHXH để chủ động thỏa thuận các chế độ việc làm với người sử dụng lao động. Những điểm lưu ý trên đây có thể giúp người lao động có thể tự bảo vệ mình khi tham gia quan hệ lao động hiện nay.