Giải quyết tranh chấp tài sản thừa kế hiện nay như thế nào?
Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu tranh chấp tài sản thừa kế là gì và các quy định pháp luật liên quan đến thủ tục giải quyết tranh chấp tài sản thừa kế và các vấn đề liên quan. Từ đó Quý khách hàng tự trang bị cho mình những giải pháp và bài học hữu ích để có thể bảo vệ quyền lợi của chính mình trong tranh chấp tài sản thừa kế.
Mục lục
1. Tranh chấp tài sản thừa kế là gì?
Thừa kế di sản là quyền lợi hợp pháp của người thừa kế đối với tài sản do người chết để lại, bao gồm cả thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp việc phân chia di sản thừa kế làm phát sinh các tranh chấp do sự mâu thuẫn, bất đồng quan điểm giữa những người thừa kế hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác.
Tranh chấp về thừa kế bao gồm: tranh chấp về hàng thừa kế, tranh chấp di chúc thừa kế, tranh chấp di sản thừa kế, tranh chấp buộc người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại, tranh chấp về chia di sản thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật, tranh chấp xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác…
2. Chủ thể, thẩm quyền khởi kiện tranh chấp tài sản thừa kế
Chủ thể, thẩm quyền khởi kiện tranh chấp tài sản thừa kế như sau:
2.1 Chủ thể có quyền khởi kiện
Khi xảy ra tranh chấp di sản thừa kế, cá nhân, tổ chức có thể yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết theo trình tự bộ luật tố tụng dân sự quy định khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm trong tranh chấp liên quan đến thừa kế.
2.2 Thời hiệu khởi kiện (Điều 623 BLDS 2015)
+ Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.
+ Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
+ Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
3. Thẩm quyền giải quyết và hồ sơ khởi kiện tranh chấp tài sản thừa kế
Thẩm quyền giải quyết và hồ sơ khởi kiện tranh chấp tài sản thừa kế được chúng tôi chia sẻ trong bài viết dưới đây như sau:
3.1 Thẩm quyền giải quyết (Điều 35, 36, 36 BLTTDS 2015)
Tùy trường hợp mà Tòa án nhân dân cấp huyện hay cấp tỉnh sẽ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp tài sản thừa kế.
Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện (Điều 35 BLTTDS 2015):
- Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có di sản là bất động sản có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về thừa kế.
- Trường hợp di sản thừa kế không phải là bất động sản thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết là tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc hoặc theo sự lựa chọn của nguyên đơn.
Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh (Điều 37 BLTTDS 2015):
- Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết các tranh chấp về thừa kế có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.
- Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết những tranh chấp thừa kế thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh tự mình lấy lên để giải quyết khi xét thấy cần thiết hoặc theo đề nghị của Tòa án nhân dân cấp huyện.
3.2 Hồ sơ khởi kiện tranh chấp tài sản thừa kế
Hồ sơ khởi kiện tranh chấp tài sản thừa kế bao gồm:
- Đơn khởi kiện (theo mẫu);
- Các giấy tờ về quan hệ giữa người khởi kiện và người để lại tài sản: Giấy khai sinh, Chứng minh thư nhân dân, giấy chứng nhận kết hôn, sổ hộ khẩu, giấy giao nhận nuôi con nuôi để xác định diện và hàng thừa kế;
- Giấy chứng tử của người để lại di sản thừa kế;
- Bản kê khai các di sản;
- Các giấy tờ, tài liệu chứng minh sở hữu của người để lại di sản và nguồn gốc di sản của người để lại di sản;
- Các giấy tờ khác: Biên bản giải quyết trong hộ tộc, biên bản giải quyết tại UBND xã, phường, thị trấn (nếu có), tờ khai từ chối nhận di sản (nếu có).
4. Thủ tục khởi kiện tranh chấp tài sản thừa kế
Bước 1: Nộp hồ sơ khởi kiện tại Tòa án (Điều 190 BLTTDS 2015).
Người khởi kiện gửi đơn khởi kiện kèm theo tài liệu, chứng cứ mà mình hiện có đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án qua bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại Tòa án.
Bước 2: Thụ lý vụ án (Điều 191 BLTTDS 2015)
- Sau khi nhận được đơn khởi kiện, Tòa án phải xem xét những tài liệu, chứng cứ cần thiết, nếu xét thấy thuộc thẩm quyền của mình thì Tòa án sẽ thông báo cho đương sự biết để đương sự nộp tiền tạm ứng án phí.
- Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, đương sự phải nộp tiền tạm ứng án phí. Sau khi nộp tiền tạm ứng án phí, đương sự nộp lại biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án. Tòa án thụ lý việc dân sự hoặc vụ án dân sự kể từ khi nhận được biên lai này.
Bước 3: Chuẩn bị xét xử
Thời hạn chuẩn bị xét xử các vụ án được quy định như sau:
- 04 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. Đối với vụ án phức tạp hoặc có trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử một lần nhưng không quá 02 tháng (khoản 1 Điều 203 BLTTDS 2015).
- Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật (khoản 1 Điều 203 BLTTDS 2015).
- Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, thẩm phán được phân công giải quyết vụ án phải tiến hành lấy lời khai của đương sự, tiến hành các phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ hoặc định giá, ủy thác thu thập chứng cứ (nếu có) (khoản 2 Điều 203 Điều 203 BLTTDS 2015).
Bước 4: Đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm:
- Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn mở phiên tòa có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày.(Điều 203 BLTTDS 2023).
- Trường hợp Bản án của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì Tòa án cấp trên trực tiếp xem xét và giải quyết theo thủ tục phúc thẩm. Theo đó, Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị. Đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự có quyền kháng cáo bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm.
Hy vọng bài viết này hữu ích đối với Quý khách hàng đang hoặc sẽ có ý định khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp tài sản thừa kế. Nếu còn bất kì điều gì thắc mắc hay cần tư vấn những trường hợp cụ thể của gia đình mình, các bạn đừng ngần ngại hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua số tổng đài để được hỗ trợ nhanh nhất có thể.