Hàng thừa kế thứ nhất gồm những ai?
Di sản của người chết có thể được chia theo di chúc hoặc được được chia theo pháp luật. Nếu người chết không để lại di chúc thì Toà án sẽ tiến hành chia di sản thừa kế theo pháp luật. Hiện tại pháp luật về thừa kế quy định ba hàng thừa kế. Cùng chúng tôi tìm hiểu hàng thừa kế thứ nhất gồm những ai? Và việc phân chia di sản thừa kế giữa những thành viên trong hàng thừa kế như thế nào?
Thừa kế được hiểu khái quát là việc chuyển giao tài sản của người đã chết cho người còn sống. Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì thừa kế chia làm hai loại là thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật. Tài sản do người chết để lại được gọi là di sản thừa kế.
Di sản thừa kế là tài sản của người chết để lại cho những người còn sống. Theo quy định của pháp luật, di sản thừa kế bao gồm:
- Tài sản riêng của người chết;
- Phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.
Không phải toàn bộ số tài sản do người chết để lại đều là di sản được chia thừa kế. Sau khi chủ sở hữu tài sản chết, di sản của người chết sẽ được sử dụng để thực hiện các nghĩa vụ tài chính của người chết và chi phí theo tập quán cho việc mai táng. Sau khi đã thực hiện hết các khoản chi phí trên, phần còn lại của di sản sẽ được xác định là di sản thừa kế và được tiến hành chia thừa kế.
Mục lục
1. Hàng thừa kế thứ nhất bao gồm những ai?
Việc phân chia tài sản thừa kế theo hàng thừa kế được thực hiện trong trường hợp: Không có di chúc; Di chúc không hợp pháp; Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế; Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản, di chúc không định đoạt hết di sản thừa kế.
Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự như sau:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Phân chia tài sản theo pháp luật được thực hiện như sau:
- Khi phân chia di sản, nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì phải dành lại một phần di sản để người đó khi sinh ra được hưởng; nếu chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng;
- Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá hiện vật và thỏa thuận về người nhận hiện vật; nếu không thỏa thuận được thì hiện vật được bán để chia.
2. Thủ tục thừa kế theo pháp luật được thực hiện như thế nào?
Để tiến hành thủ tục nhận thừa kế không có di chúc, người được nhận di sản sẽ tiến hành theo quy trình như sau để tránh tình trạng tranh chấp tài sản thừa kế:
2.1. Nộp hồ sơ
Trước khi yêu cầu công chứng Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật, người thừa kế sẽ chuẩn bị các loại giấy tờ sau đây:
- Phiếu yêu cầu công chứng;
- Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người yêu cầu công chứng;
- Giấy chứng tử hoặc giấy tờ khác chứng minh người để lại di sản đã chết;
- Dự thảo Văn bản thỏa thuận phân chia tài sản thừa kế hoặc Văn bản khai nhận di sản thừa kế (nếu có);
- Các giấy tờ chứng thực cá nhân như CMND/CCCD, sổ hộ khẩu,… của người thừa kế;
- Các loại giấy tờ về tài sản như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở,…
Sau khi việc chuẩn bị hồ sơ thừa kế không có di chúc được hoàn tất, người thừa kế sẽ nộp hồ sơ đến Cơ quan có thẩm quyền tại UBND cấp xã, phường, thị trấn nơi cư trú. Theo đó, Công chứng viên sẽ kiểm tra, xem xét tính hợp lệ và đầy đủ của tài liệu có trong hồ sơ. Nếu đáp ứng đủ yêu cầu sẽ tiếp nhận, thụ lý và ghi vào sổ công chứng. Ngược lại, nếu hồ sơ không đầy đủ, Công chứng viên sẽ hướng dẫn họ cách bổ sung và sửa đổi.
2.2. Niêm yết công khai
Sau khi hoàn thành bước thứ nhất và được chấp thuận, thông tin sẽ được niêm yết ở UBND cấp xã, phường, thị trấn nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản với các nội dung như họ tên, người nhận thừa kế, danh mục di sản thừa kế,… Thời gian niêm yết là khoảng 15 ngày.
2.3. Ký công chứng và trả kết quả
Ở bước này, nếu không có khiếu nại, tố cáo trong quá trình niêm yết kết quả chia tài sản thừa kế, tổ chức hành nghề công chứng sẽ hướng dẫn người thừa kế ký vào Văn bản khai nhận di sản hoặc Văn bản thỏa thuận chia di sản thừa kế. Sau đó, Công chứng viên sẽ yêu cầu người thừa kế xuất trình các loại giấy tờ đã nêu trong hồ sơ để kiểm tra, đối chiếu trước khi ký xác nhận vào lời chứng và từng trang của văn bản.