Lấy chồng Tây và thủ tục đăng ký kết hôn
Trong những năm gần đây, chuyện kết hôn của những cô gái Việt Nam với những chàng trai “Tây” đã trở thành một vấn đề không còn xa lạ. Dù rào cản về khoảng cách địa lý nhưng tình yêu là điều quan trọng nhất để họ có thêm động lực gần nhau hơn và cùng nhau xây dựng hạnh phúc gia đình. Tuy nhiên, một vấn đề cũng khiến cho rất nhiều cặp đôi quan tâm đó là thủ tục đăng ký kết hôn tại Việt Nam.
Sự khác nhau giữa ly hôn đơn phương và ly hôn thuận tình
Ba dấu hiệu chứng tỏ các cặp đôi sắp ly hôn
Thay đổi quyền nuôi con sau ly hôn
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định về kết hôn có yếu tố nước ngoài tại Khoản 1 Điều 126 như sau: “1. Trong việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, mỗi bên phải tuân theo pháp luật của nước mình về điều kiện kết hôn; nếu việc kết hôn được tiến hành tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam thì người nước ngoài còn phải tuân thủ theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn”.
Như vậy, trong trường hợp người Việt Nam kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam thì phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật Việt Nam như sau: Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên; việc kết hôn do nam nữ tự nguyện quyết định; không bị mất năng lực hành vi dân sự; không thuộc các trường hợp cấm kết hôn.
Thẩm quyền và thủ tục đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài do Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam thực hiện.
Hồ sơ tiến hành việc đăng ký kết hôn gồm có những giấy tờ như sau:
- Đối với người Việt Nam:
- Tờ khai đăng ký kết hôn (theo mẫu)
- Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (Bản chính)
- Chứng minh thư nhân dân, sổ hộ khẩu (Bản chính hoặc bản sao có chứng thực)
- Nếu bên kết hôn là công dân Việt Nam đã ly hôn hoặc hủy việc kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thì còn phải nộp bản sao trích lục hộ tịch về việc đã ghi vào sổ việc ly hôn hoặc hủy kết hôn trái pháp luật đó.
- Nếu là công chức, viên chức hoặc đang phục vụ trong lực lượng vũ trang thì phải nộp văn bản của cơ quan, đơn vị quản lý xác nhận việc người đó kết hôn với người nước ngoài không trái với quy định của ngành đó.
- Đối với người nước ngoài:
- Tờ khai đăng ký kết hôn (theo mẫu)
- Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân
- Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài xác nhận người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình cho cơ quan đăng ký hộ tịch.
- Hộ chiếu hoặc Giấy tờ có giá trị thay thế Hộ chiếu
Lưu ý: Tất cả các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài lập, cấp hoặc xác nhận để tiến hành làm thủ tục đăng ký kết hôn tại Việt Nam đều phải được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.