Luật thừa kế không có di chúc được quy định ra sao?
Trong xã hội hiện đại, khi tài sản tích lũy của cá nhân ngày càng lớn thì vấn đề thừa kế ngày càng nóng. Việc người chết để lại tài sản làm phát sinh nhiều vấn đề phức tạp. Trong trường hợp người chết không để lại di chúc hoặc rơi vào những trường hợp di chúc không có hiệu lực thì bắt buộc phải chia thừa kế theo pháp luật. Vậy luật thừa kế không có di chúc được quy định ra sao?
Mục lục
1. Luật thừa kế không có di chúc
Trong những trường hợp người chết không để lại di chúc, khi có tranh chấp tài sản thừa kế thì Tòa án tiến hành phân chia di sản theo pháp luật.
Di sản thừa kế là tài sản của người chết để lại cho những người còn sống. Theo quy định của pháp luật, di sản thừa kế bao gồm:
- Tài sản riêng của người chết;
- Phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.
Tuy nhiên, không phải toàn bộ số tài sản do người chết để lại đều là di sản được chia thừa kế. Sau khi chủ sở hữu tài sản chết, di sản của người chết sẽ được sử dụng để thực hiện các nghĩa vụ tài chính của người chết và chi phí theo tập quán cho việc mai táng. Sau khi đã thực hiện hết các khoản chi phí trên, phần còn lại của di sản sẽ được xác định là di sản thừa kế và được tiến hành chia thừa kế.
Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự như sau:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Phân chia tài sản theo pháp luật được thực hiện như sau:
- Khi phân chia di sản, nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì phải dành lại một phần di sản để người đó khi sinh ra được hưởng; nếu chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng;
- Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá hiện vật và thỏa thuận về người nhận hiện vật; nếu không thỏa thuận được thì hiện vật được bán để chia.
2. Nguyên tắc cách chia thừa kế theo pháp luật
Để thực hiện cách chia thừa kế theo pháp luật một cách hiệu quả, nhằm đem lại lợi ích chung thì việc áp dụng các nguyên tắc là điều cần thiết:
2.1. Nguyên tắc bình đẳng quyền công dân
Bình đẳng trong thừa kế của cá nhân thể hiện rõ nét nhất ở việc các chủ thể trong cùng một hàng thừa kế, tuy có đặc điểm khác nhau nhưng vẫn được hưởng phần di sản thừa kế bằng nhau. Đồng thời tại khoản 2 của Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 cũng khẳng định “Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau”. Do đó, dù trên tư cách khác nhau, có thể là vợ, chồng hoặc cha nuôi, mẹ nuôi,… nhưng khi đứng cùng hàng thừa kế thì phần di sản họ hưởng đều ngang bằng nhau.
2.2. Nguyên tắc tôn trọng quyền của người hưởng thừa kế
Theo tinh thần của pháp luật dân sự, quyền tự quyết, sự tự do ý chí của các chủ thể sẽ được đề cao. Do đó, trong trường hợp người được hưởng thừa kế không muốn nhận di sản thì hoàn toàn có quyền từ chối trừ trường hợp có căn cứ cho rằng việc từ chối nhận di sản là để trốn tránh nghĩa vụ tài sản với người khác.
2.3. Nguyên tắc bảo đảm quyền lợi của một số người thừa kế theo quy định pháp luật
Với nguyên tắc này, pháp luật cho phép những người thuộc một số trường hợp vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật. Điều này chỉ áp dụng trong trường hợp đối tượng đó không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó. Cụ thể bao gồm:
- Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
- Con thành niên mà không có khả năng lao động.
3. Khởi kiện phân chia tài sản thừa kế
Hồ sơ khởi kiện gồm:
– Đơn khởi kiện;
– Tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bao gồm:
- Di chúc (nếu có);
- Giấy chứng tử, quyết định Tòa án tuyên bố người để lại di sản đã chết;
- Bản kê khai di sản;
- Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người khởi kiện và người để lại di sản thừa kế: Chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, chứng nhận kết hôn…
- Giấy tờ, tài liệu chứng minh quyền sở hữu đối với di sản của người để lại di sản;
- Và các giấy tờ khác.
Thủ tục khởi kiện như sau:
– Sau khi hồ sơ đã được chuẩn bị, gửi hồ sơ khởi kiện đó đến Tòa án có thẩm quyền.
– Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:
- Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
- Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn;
- Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
- Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
- Thẩm phán thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí (nếu người khởi kiện thuộc trường hợp nộp tạm ứng án phí).