Ly hôn- con dưới 36 tháng tuổi chồng có được trực tiếp nuôi? Mức cấp dưỡng cho con như thế nào là hợp lý?
Vấn đề về con chung là một trong những khía cạnh cần phải xem xét đến khi giải quyết ly hôn. Cha, mẹ đều có nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc con chung sau khi ly hôn, đặc biệt là con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Thẩm quyền đăng ký việc nuôi con nuôi
Hòa giải trong ly hôn
Cách viết đơn ly hôn
Đây không chỉ là nghĩa vụ đạo đức mà còn được nhìn nhận ở góc độ pháp lý. Khi đó, vợ chồng có thể thỏa thuận với nhau về việc nuôi dưỡng, chăm sóc con. Đối với con chung dưới 36 tháng tuổi lại cần có sự quan tâm hơn nữa để bảo vệ tốt nhất lợi ích của con.
Về nguyên tắc, theo quy định tại Khoản 3 Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi. Tuy nhiên, trong trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con thì người chồng sẽ được trực tiếp nuôi con.
Như vậy, khi con dưới 36 tháng tuổi mà chồng muốn giành quyền nuôi con thì cần phải chứng minh với Tòa rằng vợ mình không có đủ điểu kiện nuôi dạy con tốt; ví dụ như: công việc hay phải đi công tác xa, làm ca kíp không có thời gian trực tiếp chăm con, hoặc công việc không lành mạnh ảnh hưởng tới việc giáo dục và chăm sóc con, không quan tâm, chăm sóc con và có những hành vi bạo lực… Ngoài ra, người chồng còn phải chứng minh khả năng của mình về việc có thể nuôi dưỡng và chăm sóc con như: tình hình sức khỏe, điều kiện về chỗ ở, việc làm, thu nhập hàng tháng, điều kiện chăm sóc, giáo dục…
Cần phải hiểu rằng, nghĩa vụ của người không trực tiếp nuôi con không chấm dứt. Khoản 2 Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau: “Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con”. Căn cứ vào Điều 110 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì nếu vợ hoặc chồng không trực tiếp nuôi con thì phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chưa thành niên hoặc con đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Vậy, khi một người có nghĩa vụ cấp dưỡng thì mức cấp dưỡng như thế nào là phù hợp với quy định của pháp luật. Trên cơ sở Điều 116 Luật hôn nhân và gia đình 2014, trước hết, mức cấp dưỡng cho con do cha, mẹ thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Việc thay đổi mức cấp dưỡng được chấp nhận khi có lý do chính đáng theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc nếu không đạt được thỏa thuận thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Cơ sở để quyết định mức cấp dưỡng là căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của con và đương nhiên những chi phí này phải hợp lý. Trường hợp người trực tiếp nuôi con đưa ra những chứng từ, hóa đơn khống để tăng tiền cấp dưỡng nuôi con nếu xét thấy những chi phí đó không hợp lý thì Tòa sẽ không giải quyết.