Ly hôn đơn phương – xác định quyền sở hữu tài sản sau ly hôn
Ly hôn đơn phương là hệ quả cuối cùng, không mong muốn của đời sống hôn nhân không đạt được mục đích. Thủ tục đơn phương ly hôn là thủ tục được khởi xướng từ một phía chủ thể và chưa có sự chấp thuận của bên còn lại. Tòa án sẽ xử lý các yêu cầu ly hôn từ một phía tương tự như xử lý một vụ án hình sự với các trình tự tố tụng theo đúng quy định của pháp luật dân sự hiện hành.
Mục lục
Ai có quyền ly hôn đơn phương?
Quyền đơn phương ly hôn hay chính xác hơn là quyền yêu cầu ly hôn được pháp luật quy định cụ thể. Luật Hôn nhân và Gia đình cũ chỉ cho phép người được yêu cầu ly hôn là một bên vợ hoặc chồng; để phù hợp hơn với xã hội hiện tại, Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành đã mở rộng phạm vi những chủ thể được quyền yêu cầu ly hôn.
Cụ thể, theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 ngoài vợ, chồng thì cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn trong trường hợp: “một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.”
Ngoài ra, để đảm bảo bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ và trẻ em, pháp luật cũng có quy định hạn chế quyền yêu cầu ly hôn từ phía người chồng tại khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014: “Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.”
Căn cứ xác định ly hôn đơn phương
Không phải bất kỳ trường hợp xích mích, khúc mắc trong đời sống hôn nhân nào cũng được làm căn cứ cho Tòa án quyết định đồng ý cho ly hôn. Cụ thể, đối với trường hợp ly hôn đơn phương, người yêu cầu ly hôn phải chứng minh được đời sống hôn nhân bế tắc không thể tiếp tục vì những lý do được hướng dẫn tại Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014:
“1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.”
Tài sản sau khi ly hôn được xử lý như thế nào?
Trong thời gian hôn nhân, vợ chồng chung sống sẽ tạo lập được các khối tài sản chung và tài sản riêng để phục vụ đời sống hôn nhân. Một khi chấm dứt mối quan hệ này, các khối tài sản sẽ được tách bạch riêng về cho vợ chồng để đảm bảo cuộc sống về sau của cả hai bên. Về nguyên tắc, nếu hai vợ chồng chưa có bất kỳ thỏa thuận thống nhất nào về vấn đề chia tài sản; pháp luật có định hướng như sau:
Thứ nhất, các tài sản riêng của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân vẫn thuộc sở hữu riêng của mỗi người.
Thứ hai, đối với tài sản chung về nguyên tắc sẽ được chia đôi. Tuy nhiên sẽ xét thêm các yếu tố tại khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014:
“a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.”