Mang thai trước khi ly hôn và những vấn đề pháp lý
Rất nhiều phụ nữ khi không cảm thấy hạnh phúc trong mối quan hệ vợ chồng, họ thường chọn cách ly hôn. Tuy nhiên vấn đề mang thai trước khi ly hôn mang đến rất nhiều rắc rối. Cùng chúng tôi tìm hiểu những vấn đề pháp lý về việc mang thai trước khi ly hôn trong bài viết ngày hôm nay.
Mục lục
1. Mang thai trước khi ly hôn và quyền được ly hôn
Trường hợp cả hai vợ chồng thuận tình ly hôn khi người vợ đang mang thai thì Tòa án vẫn giải quyết công nhận thuận tình ly hôn.
Người chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Quy định này nhằm bảo vệ lợi ích cho người vợ vì khi mang thai, sinh con hoặc đang nuôi con, người vợ không có khả năng làm việc để kiếm thêm thu nhập, vì vậy rất cần người chồng ở bên để hỗ trợ về mặt tài chính và chăm con.
Tuy nhiên, người vợ khi đang mang thai vẫn có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn nếu việc sống chung làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của cả người vợ và đứa con chung.
Khi vợ yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Hồ sơ yêu cầu giải quyết ly hôn gồm: Đơn ly hôn, bản chính giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, bản sao có chứng thực CMND/CCCD và sổ hộ khẩu của 2 vợ chồng; bản sao có chứng thực các tài liệu chứng minh về tài sản chung hoặc tài sản riêng vợ chồng nếu yêu cầu Tòa án giải quyết về tài sản; Tài liệu chứng minh chồng có hành vi bạo lực gia đình, vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
2. Mang thai trước khi ly hôn và quyền nuôi con sau ly hôn
Khi ly hôn, nếu hai vợ chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con thì Tòa án sẽ công nhận quyền nuôi con trên cơ sở pháp luật. Người không trực tiếp nuôi con vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên.
Trường hợp vợ chồng chị không thỏa thuận được thì:
– Quyền nuôi đứa bé sắp sinh nếu vợ chồng không thỏa thuận thì sẽ đương nhiên thuộc về người vợ trừ trường hợp chị không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
3. Khai sinh cho con sau khi ly hôn
Khoản 1, Điều 88 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định:
“1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.”
Như vậy, dù con sinh ra sau khi ly hôn nhưng con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân. Trong trường hợp này vẫn làm giấy khai sinh mang cả tên cha và mẹ. Cả cha và mẹ đến cơ quan đăng ký hộ tịch để làm giấy khai sinh cho con chung.
Trường hợp không công nhận đứa trẻ là con chung của hai vợ chồng thì phải có chứng cứ nộp lên Tòa án xác định. Nếu người chồng không thể chứng minh đứa trẻ không phải con đẻ của mình thì vẫn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn theo quy định pháp luật.
Nếu mang thai trước khi ly hôn nhưng sau khi ly hôn, người phụ nữ tái hôn và sinh con thì đứa con vẫn có thể mang họ người chồng hiện tại nếu như cả hai thừa nhận đó là con chung. Cả cha và mẹ đến cơ quan đăng ký hộ tịch để làm giấy khai sinh cho con chung.
Vấn đề hôn nhân gia đình là vấn đề dân sự vì vậy pháp luật tôn trọng quyền tự do thỏa thuận của các chủ thể trong mối quan hệ.