Nghĩa vụ cấp dưỡng của vợ hoặc chồng khi ly hôn
Khi ly hôn, một trong những vấn đề gây khó khăn của các cặp vợ chồng là giải quyết vấn đề về con chung và mức cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn. Thực tế xảy ra rất nhiều trường hợp mặc dù có bản án/ quyết định ly hôn của Tòa án quy định về mức cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn nhưng người phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng lại cố tình trốn tránh không thực hiện đầy đủ. Trong trường hợp đó, vợ hoặc chồng đang là người trực tiếp nuôi con cần phải làm gì để buộc người có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn phải thực hiện nghĩa vụ của mình?
Xem thêm:
Dịch vụ đăng ký kết hôn với người nước ngoài
Nội dung tờ khai đăng ký kết hôn với người nước ngoài
Hậu quả pháp lý từ việc ly hôn giả
Vợ hoặc chồng cố tình không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn
Mục lục
Cấp dưỡng là gì? Quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn
Cấp dưỡng được hiểu là việc “một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu” theo khoản 24 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Sau khi ly hôn, cha, mẹ không trực tiếp nuôi con phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con quy định tại Khoản 2 Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Bởi lẽ, mặc dù cha mẹ ly hôn, chấm dứt hợp pháp mối quan hệ hôn nhân nhưng quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con chưa thành niên; con đã thành niên nhưng mất khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình không bị thay đổi.
Pháp luật hiện hành không có quy định mức cấp dưỡng nuôi con cụ thể. Tuy nhiên, mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng. Tiền cấp dưỡng nuôi con bao gồm những chi phí tối thiểu cho việc nuôi dưỡng và học hành của con và do các bên thỏa thuận. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì tùy vào từng trường hợp cụ thể, vào khả năng của mỗi bên mà quyết định mức cấp dưỡng nuôi con cho hợp lý.
Làm gì khi đối phương không cấp dưỡng?
Nghĩa vụ cấp dưỡng của vợ hoặc chồng khi ly hôn theo bản án/ quyết định của Tòa án
Trong trường hợp cha hoặc mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con theo bản án/ quyết định của Tòa án nhưng cố tình không thực hiện thì người đang trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự áp dụng các biện pháp cần thiết để buộc người có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ của mình theo bản án/ quyết định của Tòa án.
Hồ sơ yêu cầu thi hành án
- Đơn yêu cầu thi hành án (Mẫu D04- Thông tư 01/2016/TT-BTP hướng dẫn thực hiện một số thủ tục về quản lý hành chính và biểu mẫu nghiệp vụ trong thi hành án dân sự).
- Bản án/ quyết định ly hôn có hiệu lực pháp luật (Bản sao chứng thực)
- Tài liệu thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án (nếu có)
- Các giấy tờ, tài liệu cần thiết khác (nếu có).
Cơ quan có thẩm quyền giải quyết: Cơ quan thi hành án cấp quận, huyện hoặc tỉnh nơi Tòa án ra bản án/ quyết định ly hôn có trụ sở.
Thủ tục yêu cầu thi hành án
Người có yêu cầu tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án đến Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền bằng một trong các hình thức sau: (1) Nộp đơn hoặc trực tiếp trình bày bằng lời nói tại cơ quan thi hành án dân sự; (2) Gửi đơn qua bưu điện.
Cơ quan thi hành án dân sự tiếp nhận và xem xét đơn yêu cầu cùng tài liệu liên quan ghi nhận vào sổ thi hành án và thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu.
Trường hợp từ chối thi hành án, Cơ quan thi hành án dân sự phải thông báo cho người yêu cầu trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn yêu cầu.
Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án. Sau khi ra quyết định thi hành án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phân công Chấp hành viên thực hiện các trình tự thủ tục thi hành án.
Chấp hành viên tiến hành gửi Quyết định về thi hành án trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra văn bản cho đương sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan để họ thực hiện quyền, nghĩa vụ theo nội dung của văn bản đó.
Thời hạn tự nguyện thi hành án của người phải thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án.
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì Chấp hành viên tiến hành xác minh điều kiện thi hành án.
Hết thời hạn tự nguyện thi hành án, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án (có tài sản) mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế.
Chấp hành viên sẽ thực hiện các quy trình thủ tục định giá, bán đấu giá tài sản của người phải thi hành án để thi hành án cho người yêu cầu.
Như vậy, nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn là nghĩa vụ của cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi dưỡng con chung. Trong trường hợp cha hoặc mẹ không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ này theo bản án/ quyết định của Tòa án thì người đang trực tiếp nuôi con có thể yêu cầu cơ quan thi hành án có thẩm quyền áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật buộc người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ của mình.