Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn
Mặc dù vợ chồng đã hoàn toàn chấm dứt mối quan hệ hôn nhân bằng một bản án/ quyết định có hiệu lực pháp lý nhưng giữa họ vẫn có một sợi dây ràng buộc không thể thay đổi được đó là đứa con. Sau khi ly hôn, có rất nhiều trường hợp vợ/ chồng đang là người trực tiếp nuôi dưỡng con không có đủ điều kiện chăm sóc con tốt hoặc cố tình ngăn cản đối phương đến thăm nom con thì người không trực tiếp nuôi dưỡng con cần phải làm gì để thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn?
Xem thêm:
Hướng dẫn làm thủ tục ly hôn nhanh nhất
Thủ tục ly hôn đơn phương như thế nào?
Giải đáp thủ tục ly hôn cần những gì?
Mục lục
Ai có quyền yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con?
Căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 84 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con trên cơ sở lợi ích của con:
(1) Cha, mẹ của con.
(2) Người thân thích.
(3) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình.
(4) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em
(5) Hội liên hiệp phụ nữ.
Căn cứ thay đổi người trực tiếp nuôi con
Trên cơ sở yêu cầu của cha, mẹ hoặc các cá nhân, cơ quan, tổ chức, Tòa án sẽ xem xét thay đổi người trực tiếp nuôi con khi có một trong các căn cứ như sau:
- Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con. Trước và sau khi ly hôn, quyền và nghĩa vụ của cha mẹ trong việc chăm sóc, giáo dục và nuôi dưỡng con không thay đổi. Do đó, khi cha, mẹ có thỏa thuận với nhau về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con để đảm bảo tốt nhất điều kiện về mọi mặt cho sự phát triển của con thì Tòa án luôn luôn tôn trọng sự thỏa thuận đó.
- Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Theo đó, Tòa án sẽ xem xét giải quyết trên cơ sở các căn cứ do người yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con cung cấp để chứng minh người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Chẳng hạn như: Công việc không ổn định hoặc không có công việc; thu nhập hàng tháng thấp hoặc bấp bênh; không có chỗ ở; môi trường sống có nhiều tệ nạn xã hội…
Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét đến nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.
Hồ sơ thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn
Chuẩn bị hồ sơ
- Đơn yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con (nếu hai vợ chồng tự thỏa thuận thay đổi người trực tiếp nuôi con) hoặc Đơn khởi kiện về việc thay đổi người trực tiếp (nếu có tranh chấp về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con).
- Bản án/ quyết định ly hôn
- Giấy khai sinh của con (Bản sao chứng thực)
- Sổ hộ khẩu và CMND/ CCCD/ Hộ chiếu của người yêu cầu/ người khởi kiện (Bản sao chứng thực)
- Căn cứ chứng minh cho yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con khi ly hôn.
Thẩm quyền giải quyết
- Trong trường hợp vợ chồng thỏa thuận thay đổi người trực tiếp nuôi con thì Tòa án nhân dân quận, huyện nơi vợ hoặc chồng cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết.
- Trong trường hợp vợ chồng có tranh chấp về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con thì Tòa án nhân dân quận, huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết.
Như vậy, sau khi ly hôn, cha/ mẹ không trực tiếp nuôi con vẫn có quyền yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con hoặc tự thỏa thuận với nhau về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con nhằm đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích của con. Trên cơ sở các chứng cứ, tài liệu của vụ việc, Tòa án sẽ xem xét và ra quyết định yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con của các đương sự phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.