Ngăn cấm con không được gặp bố mẹ sau ly hôn
Kính gửi Văn phòng luật Phan Law Vietnam, tôi có một vấn đề mong nhận được giải đáp từ Quý công ty như sau:
Hai vợ chồng tôi đã ly hôn. Con gái năm nay 2 tuổi và hiện đang được mẹ trực tiếp nuôi dưỡng sau khi ly hôn. Tuy nhiên, khi tôi đến thăm con thì ông bà ngoại không cho phép tôi gặp và đưa con về thăm ông bà nội (kể cả lễ, tết). Vậy tôi xin hỏi liệu việc tôi xin đón cháu về những dịp lễ tết có phải là có chính đáng không? Hành vi ngăn cản tôi đến thăm con tôi và đưa cháu về chơi với ông bà nội của ông bà ngoại cháu có đúng không? Tôi cần làm gì để được đến thăm con tôi?
Xin chân thành cảm ơn!
Xem thêm:
>> Hướng dẫn xác định quyền nuôi con khi ly hôn
>> Quy định về quyền nuôi con trên 3 tuổi khi ly hôn
>> Quyền nuôi con sau khi ly hôn mới nhất theo quy định của pháp luật

Trả lời:
Trước hết, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn về hôn nhân và gia đình đến Văn phòng luật sư Phan Law Vietnam. Liên quan đến câu hỏi của bạn, chúng tôi xin được đưa ra nội dung tư vấn sơ sau:
Mục lục
Ngăn cấm con không được gặp bố mẹ sau ly hôn có vi phạm pháp luật không?
Thứ nhất, căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì sau khi ly hôn bạn có quyền được thăm nom con mà không một ai được quyền ngăn cản, cụ thể: “Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở”. Việc đến thăm nom con không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ được pháp luật ghi nhận. Theo đó, cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con (Khoản 2 Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014).
Thứ hai, bạn phải đảm bảo rằng bạn không lạm dụng việc thăm nom con để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống bình thường của người đang trực tiếp nuôi con. Theo quy định của pháp luật, cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom con để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.
Dựa trên các thông tin bạn cung cấp, chúng tôi chưa rõ thỏa thuận của vợ chồng bạn về thời gian thăm nom con sau khi ly hôn như thế nào; thời gian và số lần đến thăm nom con của bạn ra sao, trước khi đến thăm gặp con bạn có thông báo cho vợ cũ của bạn là người đang trực tiếp nuôi con biết thông tin về thời gian và lịch trình cụ thể không…Cho nên, chúng tôi chưa thể đưa ra đánh giá chi tiết về vụ việc này. Tuy nhiên, nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, hành vi ngăn cản bạn thăm nom và xin đón con về chơi với ông bà nội (kể cả trong những ngày lễ, Tết) là trái với quy định của pháp luật.
Yêu cầu xử phạt khi vi phạm
Chính vì vậy, bạn có thể xem xét lựa chọn thực hiện các biện pháp xử lý sau đây để đảm bảo quyền được thăm nom con của mình, cụ thể:
- Yêu cầu xử lý vi phạm hành chính: Phạt cảnh cáo, hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau (Điều 53 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP).
- Yêu cầu thi hành án đối với bản án/ quyết định ly hôn: Bạn có thể làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án giải quyết cho thi hành vấn đề thăm nom, chăm sóc con chung theo bản án/ quyết định ly hôn của Tòa án.
- Khởi kiện ra Tòa án yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn: Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ, Tòa án xem xét thay đổi người trực tiếp nuôi con khi có căn cứ chứng minh cha, mẹ đang trực tiếp nuôi con không có đủ điều kiện trông nom, chăm sóc, giáo dục con.
Để có cơ sở chứng minh cho yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý thì bạn cần thu thập đầy đủ các chứng cứ chứng minh việc ông bà ngoại cản trở bạn đến thăm nom con và đón con về chơi. Theo đó, bạn có thể thu thập chứng cứ bằng các cách sau:
- Làm việc với tổ trưởng tổ dân phố/ trưởng thôn hoặc làm đơn trình bày với công an xã phường nơi vợ cũ bạn đang cư trú để họ làm chứng và xác nhận việc bạn đến thăm nom con nhưng bị ông bà ngoại cản trở, gây khó khăn.
- Yêu cầu thừa phát lại lập vi bằng trong các lần bạn đến thăm nom con nhưng bị cản trở; những thỏa thuận/ tin nhắn trao đổi giữa bạn và vợ cũ về việc thực hiện quyền thăm nom con sau khi ly hôn.