Phản đối hôn nhân đồng giới theo quy định pháp luật?
Phản đối hôn nhân đồng giới không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Hôn nhân đồng giới là việc những người có cùng giới tính về sinh học như đồng tính nam hoặc đồng tính nữ có tình cảm yêu thương nhau và mong muốn sống xây dựng mái ấm gia đình. Theo quan điểm của một số người dân Việt Nam, hôn nhân giữa những người cùng giới tính rất khó để chấp nhận mặc dù hiện nay vấn đề này đang dần được nhìn nhận tích cực hơn. Vậy hiện nay pháp luật Việt Nam có quy định phản đối hôn nhân đồng giới không?
Mục lục
Hôn nhân đồng tính có được thừa nhận trên toàn thế giới không?
Trong xã hội phát triển hiện nay các cặp đôi đồng tính trên thế giới ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, số lượng quốc gia thừa nhận hôn nhân đồng giới không nhiều bởi vấn đề này còn gây ra nhiều tranh cãi từ những quan điểm khác nhau. Do đó, tính đến thời điểm hiện tại, trên thế giới chỉ có 29 nước hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính.
Theo đó, họ có thể chính thức kết hôn và được pháp luật bảo vệ về quyền lợi cũng như các cặp đôi nam nữ khác, đặc biệt chú trọng đến quyền nhân thân và quyền tài sản. Nếu trong thời kỳ hôn nhân xảy ra tranh chấp, xung đột như ngoại tình, bạo lực gia đình,… việc giải quyết sẽ dựa theo căn cứ pháp lý của Luật Hôn nhân và Gia đình của các nước đó.
Người dân Việt Nam có đồng ý việc thừa nhận hôn nhân đồng giới?
Việt Nam là một nước Đông Nam Á đã từng bị đô hộ hơn một ngàn năm trong thời kỳ Bắc thuộc. Do đó, nền giáo dục, tư tưởng của người dân cũng như những quan niệm truyền thống chịu ảnh hưởng rất lớn từ Nho giáo. Đây cũng là đặc trưng độc đáo ăn sâu vào nếp sống gia đình Việt Nam thời kỳ phong kiến và được con cháu đời sau lưu giữ, noi theo.
Vì thế, cho đến ngày nay, việc phản đối hôn nhân đồng giới tương đối dễ hiểu đối với một số bộ phận người dân Việt Nam. Họ thường cho rằng, những người đồng tính với những đặc điểm sinh học cũng như xu hướng tình dục khác biệt sẽ đem đến những hệ lụy tiêu cực cho xã hội.
Một số lý lẽ nhằm chứng minh cho quan điểm này thường là trẻ em được nuôi dưỡng bởi cặp đồng tính sẽ dễ gặp tổn thương tâm lý và lệch lạc hành vi, hôn nhân đồng giới ở Việt Nam thường không bền vững,… Ngoài ra, họ còn cho rằng việc thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới sẽ làm sụt giảm giá trị văn hóa xã hội, đặc biệt là kiểu hôn nhân truyền thống.
Tuy nhiên, trên thực tế, hôn nhân đồng giới cũng đem lại nhiều mặt tích cực cho xã hội khi đề cao quyền con người trong việc mưu cầu hạnh phúc. Ngoài ra, nó còn hướng đến một xã hội văn minh, tiến bộ và hạnh phúc, giảm tình trạng căng thẳng, áp lực của những người thuộc cộng đồng LGBT.
Pháp luật có phản đối hôn nhân đồng giới hay không?
Trước đây, pháp luật nghiêm cấm việc kết hôn giữa những người cùng giới. Theo khoản 5 Điều 10 Luật Hôn nhân và Gia đình 2000 quy định “ Cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính”. Đồng thời, theo điểm e khoản 1 Điều 8 Nghị định số 87/2001/NĐ – CP đối với những trường hợp kết hôn đồng giới sẽ bị phạt tiền từ 100.000 – 500.000 đồng.
Tuy nhiên, xuất phát từ sự tiến bộ xã hội hiện nay, pháp luật đã bác bỏ quy định “cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính”. Nhưng tại khoản 2 Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”.
Như vậy, so với quy định trước đây, những người đồng giới kết hôn với nhau sẽ không còn bị xử phạt và thuộc trường hợp cấm. Họ có thể tổ chức đám cưới, sống chung với nhau như vợ chồng nhưng sẽ không được tiến hành đăng ký kết hôn tại Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Ngoài ra, họ cũng không nhận được sự bảo hộ của pháp luật về nhân thân và tài sản:
- Về quan hệ nhân thân, giữa họ sẽ không có sự ràng buộc về mặt pháp lý, không được cấp “giấy đăng ký kết hôn”. Đồng thời, cũng không phát sinh quyền và nghĩa vụ nhân thân. Nếu xảy ra xung đột, mâu thuẫn thì sẽ không chịu sự điều chỉnh của Luật Hôn nhân và Gia đình.
- Về quan hệ tài sản, sẽ không có chế độ tài sản trong thời kỳ hôn nhân. Nếu xảy ra tranh chấp, tài sản giữa họ sẽ được giải quyết theo Bộ luật Dân sự.