Tài sản chung của LGBT trong quá trình sống chung
Hiện nay, hôn nhân đồng giới đã dần được thừa nhận và mọi người cũng đang có cái nhìn thoáng hơn về vấn đề này. Tuy nhiên, điều đó đã đặt ra một vấn đề pháp lý cần phải giải quyết đó là tài sản chung của LGBT khi họ sống chung với nhau.
Cần phải khẳng định rằng, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 không công nhận quan hệ hôn nhân giữa các cặp đôi LGBT. Chính vì lẽ đó, các quyền, nghĩa vụ hay các vấn đề về tài sản chung của cặp “vợ chồng” LGBT sẽ không chịu sự điều chỉnh của Luật Hôn nhân và Gia đình. Mà thay vào đó, các vấn đề về tài sản chung của LGBT sẽ chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Dân sự 2015.
Vì không có mối quan hệ “vợ chồng” được luật pháp công nhận, nên vấn đề về tài sản của cặp “vợ chồng” LGBT cũng giống như một quan hệ dân sự thông thường. Tức là, tài sản riêng của mỗi người vẫn thuộc sở hữu của người đó nếu hai bên không có bất kỳ một văn bản, thoả thuận nào về vấn đề cho phép người còn lại trở thành đồng sở hữu tài sản với mình.
Đối với trường hợp tài sản được hình thành do sự đóng góp từ hai phía trong quá trình chung sống hoặc do một bên cho phép bên còn lại trở thành đồng sở hữu thì các tài sản đó được xem là tài sản chung của LGBT. Do đó, các tài sản chung này là đối tượng sẽ được xem xét, phân chia khi các cặp “vợ chồng” LGBT chia tay.
Về vấn đề phân chia tài sản chung, pháp luật Việt Nam rất tôn trọng sự thoả thuận của các bên. Do đó, nếu trong quá trình chia tay, cặp “vợ chồng” LGBT đã có thoả thuận về việc phân chia tài sản chung của LGBT thì pháp luật sẽ tôn trọng sự thoả thuận này.
Trường hợp, cặp “vợ chồng” LGBT không thoả thuận được về việc phân chia tài sản chung trong quá trình chia tay, thì khi đó, một trong hai bên có quyền khởi kiện tại Toà án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu Toà án giải quyết. Trong trường hợp này, Toà án sẽ căn cứ vào quy định tại Điều 219 Bộ luật Dân sự 2015 để tiến hành phân chia tài sản chung của LGBT. Cụ thể, Điều 219 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau :
- Trường hợp sở hữu chung có thể phân chia thì mỗi chủ sở hữu chung đều có quyền yêu cầu chia tài sản chung; nếu tình trạng sở hữu chung phải được duy trì trong một thời hạn theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của luật thì mỗi chủ sở hữu chung chỉ có quyền yêu cầu chia tài sản chung khi hết thời hạn đó; khi tài sản chung không thể chia được bằng hiện vật thì chủ sở hữu chung có yêu cầu chia có quyền bán phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp các chủ sở hữu chung có thỏa thuận khác.
- Trường hợp có người yêu cầu một người trong số các chủ sở hữu chung thực hiện nghĩa vụ thanh toán và chủ sở hữu chung đó không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thanh toán thì người yêu cầu có quyền yêu cầu chia tài sản chung và tham gia vào việc chia tài sản chung, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Nếu không thể chia phần quyền sở hữu bằng hiện vật hoặc việc chia này bị các chủ sở hữu chung còn lại phản đối thì người có quyền có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ bán phần quyền sở hữu của mình để thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
Chính vì pháp luật hôn nhân và gia đình của Việt Nam chưa công nhận hôn nhân giữa những người thuộc cộng đồng LGBT nên để bảo vệ tài sản của mình, đồng thời tránh trường hợp khó khăn sau khi chia tay, các cặp “vợ chồng” LGBT trong quá trình sống chung nên thoả thuận và ghi nhận rõ phần giá trị sở hữu đối với các tài sản chung mà hai bên tạo lập trong quá trình chung sống. Như vậy sau khi chia tay, vấn đề về tài sản chung của LGBT sẽ được giải quyết một cách nhanh gọn hơn.