Thỏa thuận phân chia tài sản là cổ phần/vốn góp sau khi ly hôn
Việc phân chia tài sản chung sau khi ly hôn là một trong những vấn đề quan trọng trong quá trình hai bên chấm dứt quan hệ hôn nhân. Một số vợ chồng yêu cầu Tòa án giải quyết tài sản chung và thực hiện việc phân chia theo quyết định của Tòa án.
Xem thêm:
>> Thỏa thuận phân chia tài sản là cổ phần/vố góp trong kỳ hôn nhân
>> Quy định về quyền nuôi con trên 3 tuổi khi ly hôn
>> Thủ tục ly hôn thuận tình như thế nào?
Mục lục
Phân chia tài sản là cổ phần/vốn góp sau khi ly hôn
Có không ít cặp vợ chồng lựa chọn hình thức phân chia tài sản chung theo thỏa thuận của hai bên. Nhất là đối với tài sản chung mang tính đặc biệt như cổ phần, vốn góp trong doanh nghiệp.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 59, Luật Hôn nhân và gia đình 2014, vợ chồng có quyền thỏa thuận về việc phân chia tài sản sau ly hôn:
“Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.
Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.”
Vợ chồng có thể thỏa thuận phân chia cổ phần, vốn góp dựa trên nguyên tắc chia đôi, nhưng cần tính đến các yếu tố sau:
- Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
- Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
- Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
- Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
Thực hiện việc thỏa thuận phân chia cổ phần, vốn góp
Bên cạnh đó, việc thỏa thuận phân chia cổ phần, vốn góp có thể thực hiện theo hai cách sau đây:
Thứ nhất, vợ chồng phân chia cổ phần, vốn góp, mỗi bên nhận được phần cổ phần, vốn góp theo tỷ lệ tương ứng.
Thứ hai, một bên nhận phần tài sản là cổ phần, vốn góp và có trách nhiệm thanh toán theo giá trị tương ứng với phần tài sản nhận được cho bên còn lại.
Mặt khác, tài sản chung là cổ phần, vốn góp mang tính chất đặc biệt so với các tài sản chung thông thường khác. Việc phân chia phần cổ phần, vốn góp sẽ tác động đến quyền và lợi ích của mỗi bên trong doanh nghiệp. Từ đó, nó sẽ tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như quyền và lợi ích của các thành viên góp vốn, cổ đông khác trong doanh nghiệp. Vì vậy, việc phân chia tài sản chung là cổ phần, vốn góp, bên cạnh việc tuân thủ theo các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, các bên cần tuân thủ theo quy định pháp luật về doanh nghiệp cũng như điều lệ công ty.