Thủ tục từ chối nhận di sản thừa kế
Khi một người có tài sản, họ có quyền quyết định tài sản đó sau khi họ chết đi sẽ thuộc về ai. Tuy nhiên, việc để lại tài sản sau khi chết như vậy là ý chí đơn phương của người chết nên những người được hưởng thừa kế có quyền từ chối nhận di sản thừa kế. Để thực hiện việc từ chối cần phải thực hiện thủ tục từ chối nhận di sản thừa kế theo đúng quy định của pháp luật. Vậy cách thức thực hiện như thế nào? Cùng theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ nhé.
Mục lục
1. Thủ tục từ chối nhận di sản thừa kế là gì?
Từ chối nhận di sản thừa kế là việc người thừa kế (có thể theo di chúc hoặc theo pháp luật) không nhận phần di sản mà mình có quyền được hưởng do người chết để lại.
Thủ tục từ chối nhận di sản thừa kế là các công việc mà người thừa kế phải thực hiện để từ chối (không nhận) phần di sản mà mình được hưởng cả theo di chúc và theo pháp luật như việc chuẩn bị hồ sơ, soạn thảo văn bản và yêu cầu công chứng/chứng thực. Nếu không giải quyết tốt vấn đề này rất dễ dẫn đến tranh chấp tài sản thừa kế.
2. Từ chối nhận di sản phải đáp ứng các điều kiện gì?
Việc từ chối nhận di sản thừa kế sẽ ảnh hưởng đến những người thừa kế khác trong việc phân chia di sản thừa kế cũng như việc thực hiện nghĩa vụ đối với tài sản mà người chết để lại. Do đó, pháp luật (Bộ luật Dân sự) quy định các điều kiện cụ thể để thực hiện việc từ chối nhận di sản thừa kế như sau:
- Thứ nhất, người từ chối nhận di sản thừa kế phải là người được hưởng di sản thừa kế bao gồm cả người được thừa kế theo di chúc mà người chết để lại và thừa kế theo quy định của pháp luật. Nếu người từ chối không thuộc trường hợp được hưởng di sản thừa kế thì việc từ chối không có ý nghĩa gì.
- Thứ hai, người từ chối phải lập văn bản từ chối nhận di sản thừa kế (Điều 620 Bộ luật Dân sự năm 2015). Hiện nay, pháp luật không quy định rõ văn bản từ chối nhận di sản thừa kế bắt buộc phải công chứng hay chứng thực nhưng trên thực tế việc từ chối nhận di sản thừa kế phải thực hiện công chứng hoặc chứng thực để những người thừa kế còn lại dễ dàng thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế.
- Thứ ba, văn bản từ chối nhận di sản thừa kế phải được gửi những người liên quan đến di sản thừa kế đó (người thừa kế khác, người quản lý di sản và người phân chia di sản).
- Thứ tư, việc từ chối di sản phải đảm bảo rằng mục đích không nhận di sản của người từ chối không để trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác (ví dụ: từ chối nhận di sản để trốn tránh nghĩa vụ phải cấp dưỡng hay nghĩa vụ phải bồi thường mà người từ chối phải thực hiện nếu như khai nhận di sản thừa kế).
- Thứ năm, thời điểm thực hiện từ chối di sản thừa kế phải trước khi thực hiện thủ tục phân chia di sản thừa kế. Nếu người thừa kế đã thực hiện khai nhận di sản thừa kế thì không có quyền từ chối nữa.
3. Các bước thực hiện thủ tục với người từ chối nhận di sản thừa kế
Người thừa kế muốn từ chối nhận di sản thừa kế phải thực hiện các bước sau:
3.1. Bước 1: Người từ chối chuẩn bị các hồ sơ cần thiết
Văn bản từ chối nhận di sản thừa kế (soạn thảo đầy đủ các nội dung thỏa mãn các điều kiện được từ chối nhận di sản thừa kế);
Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân của người từ chối nhận di sản thừa kế;
Di chúc đối với trường hợp được thừa kế theo di chúc hoặc giấy tờ chứng minh đủ điều kiện hưởng thừa kế theo pháp luật (ví dụ như giấy khai sinh hoặc giấy chứng nhận đăng ký kết hôn để chứng minh quan hệ nhân thân);
Giấy chứng tử chứng minh người để lại di sản đã chết;
Các giấy tờ về tài sản là di sản thừa kế mà người thừa kế từ chối như: giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở, sổ tiết kiệm, đăng ký ô tô, xe máy,…
Giấy tờ chứng minh tài sản chung hay riêng của người để lại di sản thừa kế (ví dụ: Giấy xác nhận độc thân nếu tài sản của người chết để lại là tài sản riêng của họ có được trước thời kỳ hôn nhân).
3.2. Bước 2: Người từ chối thực hiện công chứng hoặc chứng thực văn bản từ chối nhận di sản
- Đối với công chứng hoặc chứng thực tại tổ chức hành nghề công chứng: Công chứng viên kiểm tra tính chính xác và đầy đủ của hồ sơ từ chối nhận di sản thừa kế. Sau đó, công chứng viên cho người yêu cầu ký vào các trang của văn bản từ chối nhận di sản và tiến hành ký, đóng dấu của tổ chức công chứng.
- Đối với chứng thực tại ủy ban nhân dân cấp xã, phường: người yêu cầu ký văn bản từ chối nhận di sản trước mặt cán bộ tư pháp, sau đó ủy ban nhân dân xã, phường sẽ xác nhận chữ ký trên văn bản từ chối nhận di sản là chính xác.
3.3. Bước 3: Nhận văn bản từ chối nhận di sản thừa kế
Người thực hiện văn bản từ chối nhận di sản nộp phí và lệ phí cho tổ chức hành nghề công chứng hoặc ủy ban nhân dân xã phường theo quy định sau đó nhận Văn bản từ chối nhận di sản thừa kế.
Văn bản từ chối nhận di sản thừa kế này đã công nhận việc từ chối nhận di sản của người thừa kế.
4. Nội dung của văn bản từ chối nhận di sản thừa kế
Pháp luật không quy định mẫu văn bản từ chối nhận di sản thừa kế, nhưng trên thực tế để được công chứng hoặc chứng thực thì văn bản từ chối nhận di sản thừa kế cần đáp ứng các nội dung sau:
Họ và tên, ngày tháng năm sinh, thông tin giấy tờ tùy thân và địa chỉ của người từ chối di sản thừa kế;
Trình bày quan hệ nhân thân đối với người chết nếu được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật, hoặc nêu nội dung di chúc mà mình được hưởng di sản theo di chúc;
Trình bày đặc điểm của di sản mà mình từ chối (số giấy tờ, địa chỉ, diện tích là nhà đất,…);
Cam đoan về việc từ chối nhận di sản là tự nguyện, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ và những thông tin trình bày trên văn bản là đúng sự thật;
Người thực hiện văn bản từ chối nhận di sản thừa kế ký và ghi họ tên đầy đủ vào cuối văn bản.
Phần cuối là nội dung công chứng hoặc chứng thực mà tổ chức hành nghề công chứng hoặc ủy ban nhân dân cấp xã, phường thực hiện.