Thừa kế thế vị theo quy định của pháp luật hiện hành
Thừa kế là quyền dân sự được pháp luật công nhận và bảo hộ. Thừa kế thế vị là một trong hợp đặc biệt trong pháp luật thừa kế. Ngoài thừa kế kế vị, pháp luật cũng có những quy định khung để hướng dẫn, điều chỉnh về hoạt động phân chia di sản thừa kế, hưởng thừa kế… Tìm hiểu rõ nét hơn về vấn đề này ngay trong nội dung bài viết dưới đây.
Mục lục
Thừa kế thế vị là gì?
Thừa kế thế vị được quy định tại Điều 652 Bộ Luật Dân sự 2015 như sau:
“Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.”
Có thể thấy, trong quan hệ thừa kế thế vị, di sản thừa kế được dịch chuyển qua bốn thế hệ nhân thân, từ đời cụ đến đời chắt. Định nghĩa thừa kế thế vị cũng được đề cập đến trong từ điển giải thích thuật ngữ luật học của Trường Đại học Luật Hà Nội do Nhà xuất bản Công an Nhân dân xuất bản năm 1999: “Thừa kế thế vị là thừa kế bằng việc thay thế vị trí để hưởng thừa kế”.
Một số lưu ý về thừa kế thế vị
Theo quy định trên, thừa kế thế vị không chỉ xét trên quan hệ huyết thống mà còn bao gồm cả mối quan hệ nuôi dưỡng. Vì vậy, khi thực hiện thừa kế thế vị, cần có chứng từ xác minh quan hệ huyết thống của mình đối với người để lại di sản. Trường hợp con nuôi muốn thừa kế thế vị thì phải có giấy tờ xác nhận quyền nuôi con của cơ quan địa phương. Nếu chứng minh được việc nhận nuôi hợp pháp thì con nuôi có quyền hưởng thừa kế thế vị như con đẻ. Tức là được hưởng một phần hoặc toàn phần tài sản của cha/mẹ do được hưởng từ ông/bà.
Cần lưu ý thêm, bản thân của người thừa kế thế vị không bị tước quyền thừa kế theo khoản 1 Điều 621 Bộ Luật Dân sự 2015:
“Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:
a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.”
Người được hưởng thừa kế thế vị có nghĩa vụ gì?
Người được hưởng thừa kế ngoài quyền lợi được nhận còn kèm theo trách nhiệm đối với phần di sản thừa kế được hưởng. Theo quy định tại Điều 615 Bộ Luật Dân sự 2015:
- Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.
- Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.”