Trước và sau khi ly hôn cần chuẩn bị những gì?
Ly hôn là một hiện tượng xã hội với ý nghĩa thực chất là chấm dứt quan hệ vợ chồng trước pháp luật. Do phát sinh các thủ tục pháp lý khác nhau, cho nên trước và sau khi ly hôn cần phải làm những gì chắc hẳn là điều quan tâm của khá nhiều người. Điều này còn liên quan trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ các bên, đặc biệt là trong vấn đề tài sản, con cái. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin và giải đáp thắc mắc cho bạn về vấn đề này.
Mục lục
Ly hôn là gì?
Theo khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, ly hôn được định nghĩa “Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án”. Như vậy, có thể thấy, Tòa án là cơ quan có thẩm quyền duy nhất trong việc đưa ra phán quyết chấm dứt quan hệ hôn nhân của vợ và chồng dưới dạng bản án hoặc quyết định.
Trước và sau khi ly hôn cần phải làm những gì?
Đây là vấn đề được rất nhiều người quan tâm và tìm hiểu nhằm đáp ứng được mục đích của mình theo đúng quy định pháp luật. Cụ thể như sau:
Trước khi ly hôn
Quyết định ly hôn chắc chắn là quyết định khó khăn đối với cả hai vợ chồng. Do đó trước khi ly hôn, bạn cần phải cân nhắc những vấn đề sau:
Chuẩn bị tâm lý trước khi ly hôn
Ly hôn không phải là chuyện “chia tay” đơn thuần giữa hai người mà nó còn nhiều vấn đề khác phát sinh. Do đó, nếu chỉ là mâu thuẫn “vụn vặt”, không quá nghiêm trọng thì các bên nên nhìn nhận và cho nhau thời gian để sửa đổi. Hôn nhân là mối quan hệ có nhiều ràng buộc, đặc biệt là con chung của hai người. Trẻ con thực sự cần một mái ấm trọn vẹn để được yêu thương và trưởng thành.
Thực chất, pháp luật cũng rất nhân đạo trong vấn đề này. Do đó, khi tiến hành ly hôn, Tòa án sẽ tiến hành hòa giải và chỉ chấp nhận trường hợp hôn nhân không thể cứu vãn được nữa. Vì vậy, các cặp vợ chồng nên cân nhắc, nếu hôn nhân rơi vào tình trạng trầm trọng, không thể tiếp tục, mục đích hôn nhân không thể thực hiện thì mới nên viết đơn ly hôn.
Tìm hiểu thông tin và chuẩn bị các thủ tục pháp lý
Sau khi suy nghĩ và nhận thấy không thể tiếp tục cuộc sống hôn nhân, vợ và chồng hoặc một trong hai người sẽ đưa ra quyết định dẫn đến ly hôn. Theo đó, để giải quyết vấn đề này, các chủ thể cần phải tìm hiểu những thông tin về quyền lợi, nghĩa vụ về tài sản, con cái và thủ tục pháp lý khi ly hôn.
Giải quyết chia tài sản và tranh chấp quyền nuôi con được quy định lần lượt tại Điều 59 và Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, nếu vợ hoặc chồng muốn đảm bảo quyền lợi của mình thì cần chuẩn bị các loại giấy tờ pháp lý quan trọng, đặc biệt là chứng cứ, chứng minh đối phương không đủ điều kiện giành quyền nuôi con hay chia tài sản ngang bằng. Bởi việc chia tài sản còn căn cứ theo các yếu tố như công sức đóng góp, lỗi các bên vi phạm,… (khoản 2 Điều 59).
Ngoài ra, vợ hoặc chồng cũng nên tìm hiểu về thủ tục ly hôn, những yêu cầu và điều kiện của pháp luật. Điều này sẽ góp phần thuận lợi hóa quá trình ly hôn được nhanh chóng, dễ dàng.
Sau khi ly hôn
Sau khi được Tòa án chấp thuận và giải quyết ly hôn, các bên sẽ thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm, tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con cái. Cụ thể, vấn đề vấn đề sau khi ly hôn được quy định tại Điều 81, 82, của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
Trách nhiệm trực tiếp đối với con cái sau khi ly hôn
Tại Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, pháp luật đã quy định về trách nhiệm nuôi dưỡng, giáo dục con cái đối với người trực tiếp được Tòa án trao quyền nuôi con. Do đó, sau khi ly hôn cha mẹ cần phải đáp ứng đúng các điều kiện như đã minh chứng trước Tòa, cụ thể:
- Điều kiện vật chất: Ăn, ở, học tập,…
- Điều kiện tinh thần: Thời gian ở bên con, chú trọng tâm sinh lý, giáo dục để con được phát triển,…
- Các yếu tố khác: Không có hành vi bạo hành hay sa vào tệ nạn xã hội,…
Trách nhiệm cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn
Theo quy định tại Điều 82 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, đối với những người không trực tiếp nuôi con thì cần có trách nhiệm chu cấp cho con về vật chất, tài chính, tinh thần,… Đối với điều kiện về tinh thần, cha hoặc mẹ có thể tạo không gian chơi cho con, cho con đi du lịch, mua sắm những món đồ con thích,…
Về mức cấp dưỡng do hai bên tự thỏa thuận. Trong trường hợp không thể thỏa thuận, Tòa án sẽ căn cứ vào các yếu tố cần thiết để quyết định mức cấp dưỡng sao cho phù hợp với khả năng kinh tế và nhu cầu thiết yếu của các bên. Do vậy, cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi cần thực hiện theo quyết định của Tòa án về trách nhiệm chu cấp cho con sau ly hôn.