Văn bản phân chia di sản thừa kế
Thừa kế đang là vấn đề nóng trong thời gian gần đây. Việc tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình dẫn đến nhiều hệ luỵ xấu trong đời sống đạo đức của người dân Việt Nam. Sau khi mở thừa kế hoặc di chúc, những người được thừa kế có thể cùng nhau thoả thuận việc phân chia di sản, việc thoả thuận này có thể lập thành văn bản phân chia tài sản. Cùng chúng tôi tìm hiểu nội dung, thủ tục lập văn bản phân chia di sản thừa kế.
Mục lục
1. Di sản thừa kế là gì?
Di sản thừa kế là tài sản của người chết để lại cho những người còn sống. Theo quy định của pháp luật, di sản thừa kế bao gồm:
- Tài sản riêng của người chết;
- Phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.
Không phải toàn bộ số tài sản do người chết để lại đều là di sản được chia thừa kế. Sau khi chủ sở hữu tài sản chết, di sản của người chết sẽ được sử dụng để thực hiện các nghĩa vụ tài chính của người chết và chi phí theo tập quán cho việc mai táng. Sau khi đã thực hiện hết các khoản chi phí trên, phần còn lại của di sản sẽ được xác định là di sản thừa kế và được tiến hành chia thừa kế.
Việc thừa kế của các cá nhân đều được thực hiện bình đẳng theo quy định tại Điều 610 BLDS. Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Tuy nhiên cần lưu ý rằng người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
2. Văn bản phân chia di sản thừa kế
Khi có thông báo mở thừa kế hoặc mở di chúc thì những người được hưởng thừa kế có thể phải họp mặt để thoả thuận việc phân chia di sản thừa kế. Việc này thực hiện dựa trên quy định của pháp luật tại Điều 656 BLDS 2015.
Văn bản phân chia di sản thừa kế cần có những nội dung sau:
- Phân chia người quản lý di sản, xác định quyền và nghĩa vụ của những người được hưởng di sản thừa kế;
- Cách phân chia di sản;
- Thoả thuận nhượng, từ chối phần di sản của mình,….
Cách ghi văn bản phân chia di sản thừa kế:
- Ngày tháng năm;
- Tiêu ngữ;
- Tên biên bản: Thoả thuận phân chia di sản thừa kế hoặc văn bản phân chia di sản thừa kế;
- Địa điểm lập văn bản phân chia;
- Thông tin cá nhân của những người cùng thoả thuận phân chia di sản thừa kế: Họ và tên, CMND, CCCD, ngày tháng năm sinh, Nơi thường trú, nơi tạm trú, mối quan hệ với người để lại di sản thừa kế;
- Thông tin người để lại di sản thừa kế;
- Thông tin di sản thừa kế;
- Nội dung của việc thoả thuận phân chia di sản thừa kế;
- Cam đoan của các bên là không bị lừa dối, không bị ép buộc và hoàn toàn tự nguyện;
- Lưu trữ văn bản: văn được lập thành mấy bản, ai được giữ các bản và được lưu tại đâu;
- Người lập văn bản ký tên hoặc điểm chỉ;
- Công chứng viên đóng dấu, ký tên.
3. Văn bản phân chia di sản thừa kế không có giá trị pháp lý khi nào?
Để được pháp luật công nhận và có hiệu lực pháp luật thì văn bản phân chia di sản thừa kế cần đáp ứng những yêu cầu nhất định như sau:
- Nội dung và mục đích của văn bản thoả thuận không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức, thuần phong mỹ tục;
- Văn bản đáp ứng hình thức mà pháp luật quy định như được thể hiện bằng lời nói, văn bản,….
- Những người tham gia thoả thuận phân chia di sản thừa kế không vi mất năng lực hành vi dân sự, hoàn toàn tự nguyện, không bị lừa dối và ép buộc. Tại thời điểm ký tên xác lập văn bản cá nhân phải làm chủ được nhận thức và hành vi của mình;
- Văn bản phân chia di sản thừa kế cần được công chứng để tránh những tranh chấp tài sản thừa kế;
4. Thủ tục công chứng văn bản phân chia di sản thừa kế
Việc công chứng văn bản phân chia di sản thừa kế được thực hiện theo quy định tại Điều 57 Luật Công chứng 2014:
“1. Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản.
Trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản, người được hưởng di sản có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần di sản mà mình được hưởng cho người thừa kế khác.
2. Trường hợp di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó.
Trường hợp thừa kế theo pháp luật, thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế. Trường hợp thừa kế theo di chúc, trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có bản sao di chúc.
3. Công chứng viên phải kiểm tra để xác định người để lại di sản đúng là người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và những người yêu cầu công chứng đúng là người được hưởng di sản; nếu thấy chưa rõ hoặc có căn cứ cho rằng việc để lại di sản và hưởng di sản là không đúng pháp luật thì từ chối yêu cầu công chứng hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định.
Tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản trước khi thực hiện việc công chứng.
4. Văn bản thỏa thuận phân chia di sản đã được công chứng là một trong các căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản.”
Cơ quan có thẩm quyền công chứng văn bản phân chia di sản thừa kế có thể chia làm 2 trường hợp:
- Nếu địa phương có tổ chức công chứng thì văn bản thoả thuận phân chia di sản thừa kế phải do tổ chức công chứng tiến hành công chứng;
- Nếu địa phương không có tổ chức công chứng thì Uỷ Ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền chứng thực văn bản phân chia di sản thừa kế.