Văn bản thoả thuận tài sản riêng
Các cặp vợ chồng muốn gạch ròi về tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân thường tiến hành lập văn bản thỏa thuận tài sản riêng. Văn bản này có hiệu lực pháp lý như thế nào? Thủ tục nào được tiến hành khi muốn thảo thuận tài sản riêng. Cùng chúng tôi tìm hiểu những chế định liên quan trong bài viết dưới đây.
Mục lục
1. Tài sản riêng là gì?
Tài sản riêng của vợ, chồng trong thời ký hôn nhân theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình 2014 và Nghị định 126/2014 /NĐ-CP của Chính phủ thì bao gồm những loại tài sản sau:
– Tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn;
– Tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân;
– Tài sản được chia riêng cho vợ, chồng nếu hai vợ chồng có thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân;
– Tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng ;
– Quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ;
– Tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác;
– Khoản tiền trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với thân nhân của vợ, chồng;
– Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ chồng;
– Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ chồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Khi ly hôn nếu hai vợ chồng không thoả thuận được về tài sản và yêu cầu Tòa án giải quyết, thì về nguyên tắc tài sản chung sẽ được chia đôi. Tuy nhiên có tính tới các yếu tố là công sức đóng góp và lỗi của các bên.
Đối với tài sản riêng thì khi ly hôn tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung, trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.
2. Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân thành tài sản riêng
Căn cứ theo quy định của khoản 1 Điều 38 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì: “Trong thời kì hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ trường hợp quy định tại Điều 42 của Luật này; nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết”. Thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản và công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.
Thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung của vợ chồng là thời điểm do hai vợ chồng thỏa thuận và được ghi trong văn bản. Trong trường hợp tài sản được chia mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực từ thời điểm việc thỏa thuận tuân thủ hình thức mà pháp luật quy định.
Nếu vợ chồng có yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung thì việc chia tài sản chung có hiệu lực kể từ ngày bản án, có quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Quyền, nghĩa vụ về tài sản giữa vợ, chồng với người thứ ba phát sinh trước thời điểm việc chia tài sản chung có hiệu lực vẫn có giá trị pháp lý, trừ khi các bên có thỏa thuận khác.
Hậu quả của việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kì hôn nhân được quy định tại Điều 40 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 và hướng dẫn chi tiết tại điều 14 Nghị định 126/2014/NĐ- CP như sau:
– Việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kì hôn nhân không làm chấm dứt chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định.
– Từ thời điểm việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực, nếu vợ chồng không có thỏa thuận khác thì phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đó; hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng khác của vợ chồng là tài sản riêng của vợ chồng.
– Trường hợp tài sản có được từ việc khai thác tài sản riêng của vợ, chồng mà không xác định được đó là thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh của vợ chồng hay là hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của người đó thì thuộc sở hữu chung của vợ chồng.
Sau khi chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân, vợ chồng vẫn có quyền thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung bằng văn bản và phải được công chứng theo quy định.
Việc xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng được tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình. Trong trường hợp việc chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân được thực hiện theo bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án thì thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung phải được Tòa án công nhận.
Việc chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân bị coi là vô hiệu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của gia đình, quyền và lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình;
- Nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ sau: nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng; nghĩa vụ bồi thường thiệt hại; nghĩa vụ thanh toán khi bị Tòa án tuyên bố phá sản; nghĩa vụ trả nợ cho cá nhân, tổ chức; nghĩa vụ nộp thuế hoặc nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước.
3. Văn bản thoả thuận tài sản riêng
Khoản 1 Điều 44 Luật Hôn nhân và gia đình như sau: vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung.
Văn bản cam kết tài sản riêng là thỏa thuận của vợ chồng nêu rõ ai được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản dựa trên sự cam kết của đối phương.
Như vậy, đối với những tài sản không biết là tài sản chung theo quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình hoặc tài sản riêng theo quy định tại Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì khi muốn biết được đó là tài sản riêng cần có văn bản cam kết tài sản riêng của vợ chồng.
Vì vậy, cả vợ và chồng đều có quyền thành lập văn bản cam kết tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân. Văn bản này phải được công chứng, chứng thực theo quy định của nhà nước.
Nội dung cơ bản của văn bản cam kết là: Liệt kê tài sản, nội dung thỏa thuận, cam kết của các bên và chữ ký của cả hai vợ chồng. Văn bản được lập ra đủ các nội dung nêu trên phải được công chứng tại cơ quan, tổ chức có chức năng, thẩm quyền.
Hồ sơ công chứng văn bản cam kết tài sản riêng gồm có: Văn bản cam kết được soạn thảo tại cơ quan, tổ chức công chứng; sau khi soạn thảo cả hai vợ chồng xác nhận ý chí với công chứng viên, ký tên hoặc điểm chỉ, sổ hộ khẩu của vợ chồng, Giấy tờ tùy thân của vợ và chồng.
Văn bản này có ý nghĩa khi thực hiện một số thủ tục pháp lý cần xác định tài sản riêng, hoặc phân chia tài sản khi ly hôn trong vụ án ly hôn có yêu cầu phân chia tài sản tại Tòa.